Câu hỏi 180. Nếu một NLĐ là người nước ngoài được cử sang Việt Nam làm việc trong thời gian 01 năm, nhận lương từ công ty mẹ ở nước ngoài nhưng lại được nhận tiền trợ cấp đi lại và tiền ăn từ công ty con ở Việt Nam thì có phải đóng TTNCN tại Việt Nam không?

Trả lời:

Theo quy định của Luật TTNCN, nếu NLĐ là người nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong thời hạn 01 năm thì được xem là cá nhân cư trú về thuế vì có số ngày ở tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong khoảng thời gian 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam[1]. Theo đó, NLĐ là người nước ngoài phải kê khai và quyết toán TTNCN đối với toàn bộ thu nhập nhận được trong phạm vi toàn cầu, bao gồm tiền lương nhận được ở nước ngoài và tiền phụ cấp, tiền ăn, tiền đi lại và tiền nhà ở nhận được ở Việt Nam[2]. Bên cạnh đó, vì NLĐ là người nước ngoài là cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do tổ chức, cá nhân nước ngoài chi trả cho nên NLĐ là người nước ngoài đó phải tự kê khai TTNCN tại Việt Nam theo quý[3]. Cách tính TTNCN cho NLĐ là người nước ngoài đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công cũng sẽ được áp dụng như trong trường hợp tính thuế cho NLĐ Việt Nam. Cụ thể, cách tính TTNCN sẽ dựa trên thu nhập chịu thuế, các khoản giảm trừ và thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Nếu cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh ở nước ngoài và đã tính và nộp TTNCN cho khoản thu nhập này theo luật thuế của nước ngoài thì sẽ được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài khi tính TTNCN phải trả tại Việt Nam. Tuy nhiên, số thuế được trừ sẽ không được vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế[4]. Theo đó, việc phát sinh thu nhập tại nước ngoài được hiểu là NLĐ có thu nhập phát sinh tại một nơi bất kỳ nào nào đó bên ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam chứ không phải được hiểu là thu nhập được trả cho hoạt động tại một nơi nào khác bên ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, mặc dù làm việc tại Việt Nam nhưng NLĐ là người nước ngoài lại được trả lương và đóng TTNCN ở nước ngoài thì khoản thuế đó cũng sẽ được khấu trừ tương ứng vào nghĩa vụ thuế phải trả tại Việt Nam. Nội dung này cũng đã được Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn tại Công văn số 948/CT-TTHT ngày 23/01/2015. Bên cạnh đó, hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với một số nước ngoài (nếu có) và các quy định hướng dẫn về tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam cũng thường quy định số TTNCN đóng ở nước ngoài sẽ được trừ vào số tiền TTNCN phải nộp theo cách tính thuế của pháp luật Việt Nam theo phân bổ như đã nêu trên[5].

Việc không nắm rõ các quy định về TTNCN đối với NLĐ là người nước ngoài có thể dẫn đến nhiều rủi ro pháp lý cho chính họ. Vì vậy, nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế, mọi trường hợp kê khai sai dẫn đến việc làm thiếu số tiền phải nộp, người kê khai cần tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện. Đối với trường hợp này, người kê khai sẽ phải nộp tiền chậm nộp thuế và có thể bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế[6].


[1] Điều 2.2 Luật TTNCN

[2] Điều 2.1 (a) Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/06/2013

[3] Điều 16.2 (a1) Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 06/11/2013 và Điều 21.3 (a.2) Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/06/2015

[4] Điều 26.2 (e1) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/08/2013

[5] Điều 48 Thông tư 205/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 24/12/2013

[6] Điều 59 Luật Quản lý thuế và Điều 17 Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ