Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm

Tải về Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU VỀ HỖ TRỢ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 61/2015/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 7 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM VÀ QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số Điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi là Nghị định số61/2015/NĐ-CP).

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn quy trình, thủ tục, mức hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nội dung, mức hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước quy định tại Điều 10 và Điều 12 của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc các đối tượng sau:

a) Người dân tộc thiểu số;

b) Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật;

c) Thân nhân của người có công với cách mạng quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi Tiết, hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

d) Người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch này.

Điều 3. Nội dung và mức chi hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết:

a) Đào tạo nghề: theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;

b) Đào tạo ngoại ngữ: theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học;

c) Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: theo chi phí thực tế, tối đa 530.000 đồng/người/khóa học;

d) Tiền ăn trong thời gian đào tạo: mức 40.000 đồng/người/ngày;

đ) Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi cư trú hợp pháp đến địa Điểm đào tạo: mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa Điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn cách địa Điểm đào tạo từ 10 km trở lên;

e) Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây gọi là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP) được hỗ trợ thêm tiền ở trong thời gian đào tạo và tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu theo mức quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 (sau đây gọi là Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg).

2. Hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài gồm:

a) Lệ phí làm hộ chiếu theo mức quy định tại Thông tư số 157/2015/TT- BTC ngày 08 tháng 10 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam;

b) Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mức quy định tại Thông tư số 174/2011/TT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp;

c) Lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động;

d) Chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được phép thực hiện khám sức khỏe đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người.

3. Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài:

Người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro được hỗ trợ giải quyết rủi ro theo mức quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và các văn bản hướng dẫn.

4. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề:

a) Người lao động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài được hỗ trợ một phần chi phí bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo ngoại ngữ, mức hỗ trợ bằng 70% chi phí đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo nhưng không quá mức hỗ trợ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này;

b) Người lao động tham gia các chương trình đào tạo trình độ cao theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ.

5. Trường hợp người lao động đồng thời thuộc hai hay nhiều đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này thì được lựa chọn áp dụng theo đối tượng có lợi nhất cho người lao động và chỉ được hưởng một lần các Khoản hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.

6. Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP có thể lựa chọn áp dụng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch này hoặc quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg. Trường hợp người lao động thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch này thì không thực hiện theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg và ngược lại.

Điều 4. Quy trình và thủ tục hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Đối với các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này:

a) Người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp 01 bộ hồ sơ (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) đến cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội theo phân cấp của địa phương) nơi người lao động cư trú hợp pháp để được xem xét hỗ trợ.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm:

– Giấy đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

– Giấy tờ chứng minh người lao động thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này gồm:

+ Người lao động là người dân tộc thiểu số: bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân;

+ Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tại Giấy đề nghị hỗ trợ của người lao động;

+ Người lao động là thân nhân người có công với cách mạng: giấy xác nhận là thân nhân người có công với cách mạng theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

– Bản sao hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (có xác nhận của doanh nghiệp) hoặc bản sao hợp đồng cá nhân ký giữa người lao động với chủ sử dụng lao động (nếu hợp đồng bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt và có chứng thực) và xác nhận đăng ký hợp đồng cá nhân của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Bản sao hộ chiếu và thị thực;

– Bản sao chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết của người lao động làm cơ sở thanh toán chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo;

– Hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp;

Chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của người lao động, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thanh toán tiền hỗ trợ (trực tiếp hoặc qua tài Khoản ngân hàng) cho người lao động; lưu giữ các hồ sơ, chứng từ nêu trên theo quy định.

b) Người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp:

Người lao động nộp 01 bộ hồ sơ (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) đến chủ đầu tư gồm:

– Giấy đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

– Bản sao hợp đồng ký giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (có xác nhận của doanh nghiệp) hoặc bản sao hợp đồng cá nhân ký giữa người lao động và chủ sử dụng lao động (nếu hợp đồng bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt và có chứng thực) và xác nhận đăng ký hợp đồng cá nhân của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Bản sao hộ chiếu và thị thực;

– Bản sao chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết của người lao động làm cơ sở thanh toán chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo;

– Hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp;

Chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của người lao động, chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán tiền hỗ trợ (trực tiếp hoặc qua tài Khoản ngân hàng) cho người lao động.

2. Đối với nội dung hỗ trợ theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch này: Quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 21 tháng 7 năm 2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

3. Đối với nội dung hỗ trợ theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch này:

a) Căn cứ nhu cầu và số lượng lao động tham gia đào tạo nghề, ngoại ngữ, mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch này và dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước) ký hợp đồng đặt hàng đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

b) Căn cứ hợp đồng đặt hàng đào tạo đã ký và danh sách người lao động tham gia đào tạo, Cục Quản lý lao động ngoài nước thực hiện tạm ứng kinh phí cho doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ theo mức quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các Khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước;

c) Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, thanh lý hợp đồng và thanh toán giá trị còn lại của hợp đồng (nếu có):

– Trường hợp có dưới 70% số học viên sau khi hoàn thành khóa học được đi làm việc ở nước ngoài chỉ thanh toán chi phí đào tạo theo số lượng học viên thực tế xuất cảnh;

– Trường hợp có từ 70% số học viên trở lên sau khi hoàn thành khóa học được đi làm việc ở nước ngoài được thanh toán chi phí đào tạo theo số lượng học viên tham gia khóa học của hợp đồng đã ký;

d) Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện chi trả các Khoản nhà nước hỗ trợ cho người học theo mức quy định tại hợp đồng đã ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước;

đ) Hồ sơ lưu tại doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp gồm:

– Hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Cục Quản lý lao động ngoài nước;

– Hợp đồng liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp không tự tổ chức đào tạo cho người lao động);

– Giấy đề nghị hỗ trợ của người lao động theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

– Giấy tờ chứng minh người lao động thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này;

– Biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp với Cục Quản lý lao động ngoài nước;

– Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch này: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định quy trình và thủ tục hỗ trợ theo từng chương trình cụ thể và phù hợp với các quy định hiện hành.

Điều 5. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước

1. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước bao gồm:

a) Nghiên cứu khảo sát, thu thập thông tin thị trường lao động ngoài nước:

– Nghiên cứu các thị trường lao động hiện có, các thị trường tiềm năng phù hợp với người lao động Việt Nam;

– Điều tra, khảo sát, thu thập và tổng hợp tư liệu;

– Mua tư liệu về các thị trường lao động có tiềm năng đối với lao động Việt Nam;

b) Quảng bá thông tin về nguồn lao động Việt Nam ở nước ngoài:

– Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu về nguồn lao động Việt Nam;

– Xây dựng các tư liệu, ấn phẩm, chương trình truyền thông về nguồn lao động Việt Nam (phóng sự, phim tư liệu, sách, áp phích, tờ rơi…);

– Tổ chức truyền thông, quảng bá về nguồn lao động Việt Nam:

+ Truyền thông qua các tư liệu, ấn phẩm;

+ Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài (nếu có);

+ Truyền thông trên mạng internet;

c) Xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước:

– Xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Xây dựng các tư liệu, ấn phẩm, chương trình truyền thông hướng dẫn người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

– Xây dựng các tư liệu, ấn phẩm, chương trình truyền thông để giới thiệu về các thị trường lao động cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài;

– Tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài;

– Tổ chức sự kiện văn hóa cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài;

– Đào tạo nâng cao năng lực về xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước.

2. Nội dung và mức hỗ trợ:

a) Chi phí mua, thu thập thông tin, tư liệu về thị trường, ngành nghề mới tiếp nhận lao động Việt Nam, truyền thông, quảng bá về nguồn lao động Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ngoài: Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước quyết định căn cứ tình hình thực tế, trong phạm vi dự toán được duyệt hàng năm, bảo đảm Tiết kiệm, hiệu quả;

b) Chi nghiên cứu, tổng hợp xây dựng các đề án đánh giá tiềm năng, xu hướng tiếp nhận lao động của thị trường ngoài nước: thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Chi phí vé máy bay, phương tiện đi lại, công tác phí và các chi phí khác cho cán bộ, công chức tham gia đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường, tham gia tổ chức sự kiện, hội thảo quảng bá về nguồn lao động Việt Nam tại các thị trường: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí;

d) Tổ chức sự kiện, hội thảo ở nước ngoài bao gồm: chi phí thuê hội trường, trang thiết bị, trang trí, âm thanh, ánh sáng, phiên dịch, lễ tân, diễn giả, tài liệu, nước uống; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài: thanh toán theo hợp đồng ký với đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức sự kiện, hội thảo ở nước ngoài và hóa đơn, chứng từ hợp lệ nhưng không vượt quá dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Chi tiếp khách nước ngoài, hội nghị hội thảo quốc tế về xúc tiến phát triển thị trường lao động mới: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước;

e) Chi phí xây dựng, xuất bản và phát hành các ấn phẩm, tài liệu, chương trình truyền thông: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và các văn bản hướng dẫn;

g) Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin – Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

h) Chi tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động là đối tượng quy định tại Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này và kinh phí hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước được bố trí trong dự toán ngân sách chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ ở trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Năm 2016, ngân sách trung ương thực hiện bổ sung có Mục tiêu cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện chính sách.

2. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này bố trí từ nguồn kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.

3. Kinh phí hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo yêu cầu của Hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài và chương trình đào tạo trình độ cao theo Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với các nước: bố trí từ kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020. Từ sau năm 2020, kinh phí bố trí theo quy định của cấp có thẩm quyền.

4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, chủ đầu tư dự án

1. Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định mức chi phí đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ phù hợp với chương trình và thời gian đào tạo sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính;

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

– Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện tiếp nhận hồ sơ và chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động theo quy định tại Thông tư liên tịch này, bảo đảm phù hợp với Điều kiện thực tế tại địa phương;

– Định kỳ 6 tháng (trước ngày 31/7) và hàng năm (trước ngày 31/01 năm sau), tổng hợp báo cáo tình hình kinh phí thực hiện và số lượng người lao động được hỗ trợ gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước) để tổng hợp, theo dõi;

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ hỗ trợ đối với người lao động và thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư liên tịch này;

d) Hàng năm, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước gửi cơ quan Tài chính cùng cấp tổng hợp theo quy định.

2. Cơ quan Tài chính: Tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Chủ đầu tư dự án: Căn cứ mức hỗ trợ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này để xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tổng kinh phí của Dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư được duyệt; bố trí kinh phí, chi trả các Khoản hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều 3 cho người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.

2. Trường hợp các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư liên tịch này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng quy định tại văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Mẫu số 01: Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số Điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia và việc làm

Mẫu số 02: Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số Điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia và việc làm

Ghi chú:

(1) Ghi quan hệ người đề nghị xác nhận với người có công với cách mạng: cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi). Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

(2) Ghi rõ loại đối tượng người có công với cách mạng.

(3) Mục này không áp dụng đối với liệt sỹ, người có công đã từ trần

(4) Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền:

– Trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng và người có công xác nhận người có công với cách mạng do Trung tâm quản lý.

– Đơn vị quân đội, công an có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận người có công với cách mạng do đơn vị quân đội, công an quản lý.

– Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận người có công với cách mạng đối với những trường hợp còn lại đang thường trú tại xã.

Mẫu số 03: Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số Điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia và việc làm

Ghi chú:

(1) Áp dụng cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND xã xác nhận và người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp do UBND xã hoặc Chủ đầu tư (đơn vị thu hồi đất nông nghiệp) xác nhận.

(2) Ủy ban nhân dân xã ghi rõ đối tượng được xác nhận là: hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo hoặc Chủ đầu tư ghi rõ đối tượng được xác nhận là: thu hồi đất nông nghiệp.