Trả lời:
- Chấm dứt hợp đồng lao động do “tái cơ cấu” là thuật ngữ thương mại thường được sử dụng thay cho khái niệm pháp lý chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ, hoặc vì lý do kinh tế. Để ngắn gọn và dễ hiểu, trong phạm vi Quyển sách này, thuật ngữ “do thay đổi cơ cấu, công nghệ, hoặc vì lý do kinh tế” sẽ được sử dụng thay thế bằng thuật ngữ “tái cơ cấu”.
Theo Điều 44 Bộ luật Lao động và Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, các căn cứ pháp lý cho việc tái cơ cấu bao gồm:
- Thay đổi cơ cấu, công nghệ, trong ba trường hợp sau:
- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
- Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; và
- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
- Vì lý do kinh tế, được hiểu là:
- Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; hoặc
- Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
- Trên thực tế, đã có một số vụ việc doanh nghiệp không thực sự tái cơ cấu nhưng người sử dụng lao động lấy lý do này để chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Các ví dụ cho thấy các lý do dưới đây không được xem là hợp lý:
- Việc tái cơ cấu trong doanh nghiệp như hệ quả của việc tái cấu trúc toàn cầu theo chiều dọc của tập đoàn dẫn đến sự dôi dư người lao động của công ty tại Việt Nam;
- Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện một dự án đầu tư nào đó và khi vì lý do gì đó mà dự án đầu tư đó đã phải chấm dứt dẫn đến việc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự;
- Doanh nghiệp tái cấu trúc lao động do việc thay đổi các quy định của pháp luật, ví dụ như hạn ngạch ô tô nhập khẩu giảm dẫn đến một số lượng người lao động liên quan bị dôi dư, không cần thiết;
- Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự để sử dụng người lao động từ các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài. Hiện nay, pháp luật không cho phép người sử dụng lao động sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động thay thế người lao động bị cho thôi việc do tái cơ cấu[1]; hoặc
- Doanh nghiệp muốn cho thôi việc những người lao động mà thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động hoặc người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động nhưng doanh nghiệp không đủ cơ sở pháp lý theo quy định để xử lý kỷ luật lao động.
[1] Điều 24.3 Nghị định 55/2013/NĐ-CP ngày 22/05/2013