Trả lời:
Điều 44 Bộ luật Lao động và Điều 13.3 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định rằng trường hợp tái cơ cấu mà ảnh hưởng đến việc làm từ 02 người lao động trở lên, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động; trường hợp có chỗ làm mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng. Trong trường hợp không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định. Việc cho thôi việc với nhiều người lao động vì lý do tái cơ cấu chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Theo Điều 44 Bộ luật Lao động và Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, xây dựng phương án sử dụng lao động là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trong trường hợp việc “tái cơ cấu” ảnh hưởng đến việc làm 02 người lao động trở lên. Phương án sử dụng lao động phải có đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động.
Do đó, xây dựng phương án sử dụng lao động được xem là thủ tục khó khăn và rủi ro nhất vì các lý do sau đây:
- Phương án sử dụng lao động cần giải trình một cách thuyết phục lý do tại sao việc tái cơ cấu lại dẫn đến việc thôi việc với những người lao động có liên quan như vậy. Ví dụ: doanh nghiệp hoặc một bộ phận nào đó của doanh nghiệp có 300 người lao động, tại sao việc tái cơ cấu dẫn đến việc thôi việc đối với 50 người lao động đã nêu mà không ảnh hưởng đến những người còn lại trong bộ phận đó. Các lý do như 50 người lao động đó không làm việc tốt là chưa phù hợp cho mục đích tái cơ cấu;
- Khi tiến hành xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của ban chấp hành công đoàn cơ sở hay ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở (gọi chung là ban chấp hành công đoàn). Mặc dù quy định của pháp luật lao động không đòi hỏi phương án sử dụng lao động phải được sự đồng ý của ban chấp hành công đoàn, nhưng ý kiến không đồng tình hoặc bất lợi từ phía ban chấp hành công đoàn sẽ tạo động lực và tiền đề cho sự phản đối hay chống đối từ phía người lao động, từ đó, kéo dài quy trình cho thôi việc do tái cơ cấu.