Trả lời:
- Người lao động làm trưởng văn phòng đại diện và đồng thời là giám đốc của công ty con, thì có thể trả cho người lao động tiền lương 0 đồng đối với vị trí trưởng văn phòng đại diện trong thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý đóng cửa văn phòng đại diện không?
Theo Nghị định 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, trưởng văn phòng đại diện sẽ không được kiêm nhiệm là người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam[1]. Vì vậy, nếu một người đang giữ chức trưởng văn phòng đại diện đồng thời được bổ nhiệm làm giám đốc của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xem là một pháp nhân và tổ chức kinh tế của Việt Nam và người này cũng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó, thì việc bổ nhiệm này không phù hợp với quy định của pháp luật. Về mặt pháp lý, chỉ khi trưởng văn phòng đại diện được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc nhưng không đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam thì việc kiêm nhiệm làm trưởng văn phòng đại diện và giám đốc doanh nghiệp Việt Nam mới được xem là không trái với quy định của pháp luật.
Giả định rằng việc bổ nhiệm trưởng văn phòng đại diện kiêm nhiệm vị trí giám đốc của doanh nghiệp Việt Nam là phù hợp với quy định của Nghị định 07/2016/NĐ-CP như phân tích ở trên, các vấn đề về quyền lợi của trưởng văn phòng đại diện và quyền lợi của giám đốc tại doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải được tách bạch rõ ràng.
Điều 90 Bộ luật Lao động quy định rằng, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả cho người lao động tiền lương để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Xuất phát từ việc trưởng văn phòng đại diện đảm nhiệm hai vị trí khác nhau cùng một lúc, xét ở góc độ pháp luật lao động, trưởng văn phòng đại diện sẽ được hưởng mức lương phù hợp cho vị trí trưởng văn phòng đại diện trong thời gian tiếp tục làm việc cho đến khi văn phòng đại diện thực hiện xong thủ tục đóng cửa và đồng thời được hưởng mức lương cho vị trí giám đốc tại doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu ghi nhận mức lương 0 đồng cho trưởng văn phòng đại diện tại văn phòng đại diện trong suốt thời gian văn phòng đại diện thực hiện thủ tục đóng cửa thì có thể sẽ bị cơ quan quản lý lao động địa phương cũng như Sở Công thương (cơ quan nhà nước quản lý hoạt động của văn phòng đại diện) chất vấn và cho rằng việc này là không đúng với nguyên tắc của pháp luật lao động bởi vì thực tế trưởng văn phòng đại diện vẫn đang làm việc tại văn phòng đại diện dù thời gian có ít hay nhiều đi chăng nữa. Theo đó, văn phòng đại diện có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt lên đến 20.000.000 đồng và bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho trưởng văn phòng đại diện tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt[2].
Do vậy,
nhằm tránh các rủi ro nêu trên, văn phòng đại diện nên đảm bảo vấn đề trả lương
cho trưởng văn phòng đại diện trong thời gian người này còn giữ chức vụ tại văn
phòng đại diện. Tuy vậy, để giảm thiểu chi phí cho văn phòng trong thời gian thực
hiện thủ tục đóng cửa theo quy định, văn phòng đại diện cũng có thể thỏa thuận
với trưởng văn phòng đại diện điều chỉnh giảm mức lương tương ứng trên cơ sở
văn phòng đại diện sẽ sớm chấm dứt hoạt động và thời gian thực tế mà trưởng văn
phòng đại diện sẽ dành để làm việc cho văn phòng đại diện.
[1] Điều 33.6(d) Nghị định 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016
[2] Điều 3.1, 13.3 (a) và 13.7 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015.