Trả lời:
Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vì lý do dịch bệnh, doanh nghiệp cần lưu ý phải đáp ứng cả hai điều kiện quan trọng sau đây[1]:
- Phải có dịch bệnh thực sự đang xảy ra tại địa phương nơi NLĐ đang làm việc. Đối với khái niệm “dịch bệnh nguy hiểm”, BLLĐ không có hướng dẫn cụ thể để hiểu như thế nào sẽ được xem là dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, NSDLĐ phải căn cứ vào các luật chuyên ngành quy định về vấn đề này. Cụ thể, theo quy định tại Điều 2.13 của Luật Phòng chống truyền nhiễm, dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định[2] và việc công bố dịch bệnh sẽ được người có thẩm quyền thực hiện[3] tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng loại dịch bệnh và khả năng lây lan của dịch bệnh.
Cụ thể, (i) đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm C, bao gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh và nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, Chủ tịch UBND Tỉnh sẽ công bố dịch dựa trên đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; (ii) đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trở lên đã công bố dịch thì Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ là người công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp Tỉnh; (iii) đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ Tỉnh này sang Tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người thì Thủ tướng Chính phủ sẽ là người công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế.[4] Vì thế, việc xác định dịch bệnh có đang xảy ra hay không cần dựa trên công bố chính thức của người có thẩm quyền đối với từng loại bệnh truyền nhiễm và mức độ lây lan của bệnh truyền nhiễm đó.
- 2. NSDLĐ đã áp dụng “mọi biện pháp khắc phục” nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Với nội dung này, BLLĐ vẫn chưa có quy định cụ thể nào về khái niệm “mọi biện pháp khắc phục” mà NSDLĐ buộc phải thực hiện để đáp ứng điều kiện này bởi vì việc thực hiện các biện pháp khắc phục, ngoài việc phải căn cứ vào tình hình thực tế đang xảy ra tại doanh nghiệp và tại địa phương, cũng cần xét đến khả năng thực hiện của NSDLĐ. Vì thế, việc áp dụng các biện pháp khắc phục sẽ tùy vào loại tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính đặc thù của từng doanh nghiệp nhưng NSDLĐ phải chứng minh được là doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục trong khả năng của mình nhưng sau cùng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc để tồn tại và duy trì hoạt động.
Với thực tế là chưa có quy phạm pháp luật nào quy định một cách cụ thể như thế nào được xem là các biện pháp khắc phục mà NSDLĐ phải thực hiện trước khi ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nếu NSDLĐ muốn tiến hành đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ mà chưa thực hiện các biện pháp cần thiết hoặc dù có thực hiện đi chăng nữa nhưng lại cho thấy chưa chứng minh được một cách rõ ràng và thấu đáo việc doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục chưa thì vẫn có rủi ro pháp lý là việc chấm dứt HĐLĐ đó sẽ bị Tòa án có thẩm quyền xem như là trái pháp luật nếu có xảy ra tranh chấp với NLĐ và trong trường hợp đó NSDLĐ phải chịu các hậu quả pháp lý theo quy định, bao gồm việc nhận NLĐ trở lại làm việc và phải trả lương đầy đủ, đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ từ khi NSDLĐ ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật cho đến khi NLĐ chính thức trở lại làm việc và phải trả thêm cho NLĐ ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ[5].
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện mọi biện pháp khắc phục trước khi buộc phải đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, NSDLĐ phải thực hiện từng bước và trong một khoảng thời gian hợp lý tùy theo tình hình đặc thù hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp theo thứ tự thực hiện như sau:
- Điều chuyển NLĐ sang làm công việc khác trong phạm vi doanh nghiệp;
- Nếu thời gian dịch bệnh kéo dài hoặc trên thực tế doanh nghiệp không có công việc gì khác thì sẽ tiến hành thương lượng thỏa thuận ngừng việc với NLĐ;
- Nếu tình hình vẫn không khả quan hay NLĐ không đồng ý với mức lương ngừng việc thì NSDLĐ sẽ tiếp tục thuyết phục NLĐ để các bên có thể tạm hoãn thực hiện HĐLĐ trong thời gian xảy ra dịch bệnh; và
- Sau khi thực hiện các phương án nêu trên mà vẫn không thể cải thiện được tình hình thì NSDLD mới sử dụng đến biện pháp cuối cùng đó là thông báo quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ.
Nếu có thể thực hiện được các
phương án từ thấp đến cao như trên trong một khoảng thời gian hợp lý tùy theo
tình hình hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp thì có thể giảm thiếu rủi ro
pháp lý cho doanh nghiệp
nếu có tranh chấp
phát sinh với NLĐ về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
[1] Điều 36.1. (c) BLLĐ
[2] Điều 2.13 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
[3] Điều 38.1 (b) Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
[4] Điều 38.2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
[5] Điều 41.1 BLLĐ