Ngoài việc thương lượng để giải quyết tranh chấp, các bên còn có thể yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết cho mọi loại tranh chấp lao động, kể cả tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ với NSDLĐ và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với NSDLĐ. Hòa giải viên lao động là người được Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và được cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để hòa giải một vụ tranh chấp lao động cụ thể.
Pháp luật lao động hiện hành phân chia tranh chấp lao động ra thành 03 loại khác nhau là: (i) Tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ với NSDLĐ; (ii) Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động và NSDLĐ về quyền; và (iii) Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động và NSDLĐ về lợi ích. Theo đó, tranh chấp giữa tập thể lao động với NSDLĐ về quyền phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau các quy định của pháp luật lao động, TƯLĐTT, NQLĐ, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác. Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động và NSDLĐ về lợi ích phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật lao động, TƯLĐTT, NQLĐ hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với NSDLĐ. Tùy vào từng loại hình tranh chấp lao động khác nhau mà trình tự, thủ tục hòa giải, thời hiệu yêu cầu hòa giải cũng sẽ khác nhau.
(a) Hòa giải cho tranh chấp lao động cá nhân
Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, mỗi bên có quyền làm đơn yêu cầu hòa giải đến Phòng LĐTBXH để được hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm Quy trình 14 – Hòa giải tranh chấp lao động cá nhân tại Phần 2, Chương I Quyển Sổ tay này.
(b) Hòa giải cho tranh chấp lao động tập thể
Trong vòng 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, mỗi bên có quyền làm đơn yêu cầu hòa giải đến Phòng LĐTBXH để được hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải. Nếu việc hòa giải vẫn không thành, hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, thì mỗi bên đều có quyền đệ trình yêu cầu giải quyết tranh chấp lên: (i) Chủ tịch UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nếu đó là tranh chấp lao động tập thể về quyền; hoặc (ii) Hội đồng trọng tài lao động nếu đó là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích để được tiếp tục giải quyết.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm Quy trình 14 – Hòa giải tranh chấp lao động tập thể tại Phần 2, Chương I Quyển Sổ tay này.