5.2. Thời giờ nghỉ ngơi

5.2.1.      Nghỉ trong giờ làm việc

Khi NLĐ phải làm việc liên tục 08 giờ (trong điều kiện bình thường) hoặc 06 giờ (trong trường hợp được rút ngắn đối với các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như nêu ở trên) thì NLĐ có quyền nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút nếu làm việc vào ban ngày hoặc ít nhất 45 phút nếu làm việc vào ban đêm mà được tính vào thời giờ làm việc để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ. Thời điểm nghỉ cụ thể do NSDLĐ quyết định. Ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường nêu trên, NLĐ làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.

Với quy định trên thì trong trường hợp NLĐ làm việc liên tục trong 10 giờ thì sẽ được nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút cộng 30 phút bằng 01 giờ tính vào thời gian làm việc. Như vậy, thời gian nghỉ giữa giờ sẽ được bao gồm trong thời gian làm việc chứ không phải được cộng bổ sung vào thời gian làm việc của NLĐ. Tùy vào quy định của từng doanh nghiệp về việc bố trí thời gian nghỉ ngơi cho NLĐ trong trường hợp này mà thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi trong ca làm việc liên tục 10 giờ sẽ được phân chia tương ứng. Cụ thể đối với thời gian làm việc liên tục 10 giờ thì thời gian nghỉ giữa giờ 01 giờ là thời gian tối thiểu mà NSDLĐ phải bố trí cho NLĐ được nghỉ giữa giờ theo luật định. Khi đó, thời gian làm việc 10 giờ của NLĐ sẽ bao gồm: (i) 09 giờ làm việc thực tế; và (ii) 01 giờ nghỉ giữa giờ.

NSDLĐ sẽ quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và được ghi vào NQLĐ.

5.2.2.      Nghỉ chuyển ca

NLĐ làm việc theo ca phải được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

5.2.3.      Nghỉ hằng tuần

NLĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần hoặc bình quân 04 ngày/tháng nếu trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần. NSDLĐ được quyền sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần và quy định vào NQLĐ.

5.2.4.      Nghỉ hằng năm

(a) Số ngày nghỉ hằng năm

  • NLĐ có đủ 12 tháng làm việc cho NSDLĐ thì được nghỉ hàng năm và hưởng nguyên lương theo HĐLĐ tùy thuộc vào tính chất công việc và thời gian NLĐ đã làm việc cho NSDLĐ, cụ thể như sau:
    • 12 ngày làm việc (NLĐ làm công việc trong điều kiện bình thường); hoặc
    • 14 ngày làm việc (NLĐ chưa thành viên hoặc NLĐ khuyết tật hoặc NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Y tế ban hành tại từng thời điểm); hoặc
    • 16 ngày làm việc (NLĐ làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Y tế ban hành tại từng thời điểm).
  • NLĐ có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc của NLĐ. Cụ thể, lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên như trình bày dưới đây (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị;
  • Cứ 05 năm làm việc cho một NSDLĐ thì số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ sẽ tự động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Thời gian được xem là thời gian làm việc của NLĐ để tính số ngày nghỉ hằng năm, bao gồm:

  • Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề;
  • Thời gian thử việc theo HĐLĐ sau đó làm việc cho NSDLĐ;
  • Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương trong các trường hợp sau: NLĐ kết hôn; con kết hôn; bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết;
  • Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được NSDLĐ đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng;
  • Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 06 tháng;
  • Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng;
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH;
  • Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn;
  • Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ;
  • Thời gian nghỉ vì bị NSDLĐ tạm đình chỉ công việc.
    Tạm đình chỉ công việc của NLĐ là trường hợp NSDLĐ đang trong quá trình xem xét kỷ luật NLĐ và xét thấy nếu để NLĐ tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp. Việc tạm đình chỉ công việc chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của BCHCĐ cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp nếu doanh nghiệp chưa có BCHCĐ cơ sở. Thời gian tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, những trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về những trường hợp đặc biệt nói trên là những trường hợp nào, cho nên NSDLĐ có thể giải thích những trường hợp đặc biệt bằng cách áp dụng tương tự đối với các trường hợp kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 124.1 Bộ luật Lao động. Cụ thể, các trường hợp đặc biệt là các hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ. Ngoài ra, trên thực tế, hầu như những trường hợp đặc biệt hoặc vụ việc có tính chất phức tạp đều xuất phát từ nguyên nhân chính là việc thu thập chứng cứ khó khăn hoặc cần thêm thời gian để điều tra. Do đó, NSDLĐ nên dự đoán sẵn những trường hợp hoặc vụ việc nào mà việc thu thập chứng cứ sẽ khó khăn hoặc cần thêm thời gian để cụ thể hóa  những hành vi đó trong NQLĐ là những trường hợp đặc biệt để thuận tiện trong việc thực hiện thời gian tạm đình chỉ; và
  • Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.

Riêng đối với những người học nghề, tập nghề/NLĐ đang trong thời gian thử việc/NLĐ làm việc theo HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì có được hưởng ngày nghỉ hằng năm không? Về vấn đề này, Bộ luật Lao động có quy định rằng việc nghỉ hằng năm sẽ được áp dụng trong trường hợp NLĐ đã có đủ 12 tháng làm việc cho NSDLĐ. Qua đó cho thấy quyền nghỉ phép hằng năm chỉ hướng đến những đối tượng là NLĐ đã có giao kết HĐLĐ với NSDLĐ và có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên. Trong đó, thời gian làm việc của NLĐ để tính ngày nghỉ hằng năm nêu trên sẽ bao gồm thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề. Với các quy định như vậy, trong suốt quá trình học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ, người học nghề, tập nghề sẽ không được hưởng những ngày nghỉ hằng năm như những NLĐ chính thức. Thay vào đó, thời gian họ được đào tạo nghề, học nghề sẽ chỉ được cộng vào thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm sau khi NLĐ giao kết HĐLĐ với NSDLĐ (nếu có). Lưu ý rằng ngoài đối tượng là người học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ nói trên, pháp luật lao động hiện nay chưa có quy định điều chỉnh riêng biệt nào cho đối tượng là các thực tập sinh (intern) thực tập tại các doanh nghiệp. Vì vậy, các chế độ và quyền lợi dành cho đối tượng này sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, thời gian thực tập cũng sẽ không được tính vào thời gian làm việc để hưởng ngày nghỉ hằng năm sau này nếu NLĐ được tuyển dụng và có giao kết HĐLĐ với NSDLĐ.

Với NLĐ có thời gian thử việc theo HĐLĐ mà sau đó làm việc cho NSDLĐ thì thời gian thử việc sẽ cũng được tính vào thời gian làm việc của NLĐ để tính số ngày nghỉ hằng năm. Như vậy, tương tự như trường hợp người học nghề, tập nghề, chỉ khi NLĐ ký kết HĐLĐ với NSDLĐ (tức là khi thử việc đạt yêu cầu) thì thời hạn thử việc mới được tính vào thời gian làm việc của NLĐ để tính số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của pháp luật. Do đó, NLĐ đang trong thời gian thử việc cũng không thuộc đối tượng được hưởng ngày nghỉ hằng năm. NSDLĐ cũng không có nghĩa vụ thanh toán tiền phép năm khi NLĐ chấm dứt làm việc tại doanh nghiệp do thử việc không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trong thực tế thì cũng có một số doanh nghiệp vẫn đồng ý cho NLĐ đang trong thời gian thử việc được hưởng ngày phép năm theo tỷ lệ số tháng làm việc tại thời điểm xin nghỉ phép. Điều này không trái với quy định của pháp luật lao động vì tạo thêm ưu đãi cho NLĐ nhưng cần quy định rõ trong TƯLĐTT, NQLD hoặc hợp đồng thử việc (nếu có) để dễ theo dõi và thực hiện.

Còn với NLĐ làm việc theo HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì sẽ được hưởng ngày nghỉ hằng năm theo nguyên tắc số ngày nghỉ hằng năm sẽ được xác định theo tỷ lệ tương ứng với thời gian làm việc thực tế của NLĐ. Số ngày nghỉ hằng năm sẽ được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm, chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị[1].

(b) Quy định lịch nghỉ hằng năm

NSDLĐ có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm của NLĐ sau khi tham khảo ý kiến của NLĐ và báo trước cho NLĐ. NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Khi nghỉ hằng năm, nếu NLĐ đi bằng các phương tiện đường Bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm. Như vậy, các phương tiện đường hàng không sẽ không được áp dụng theo quy định này. Lưu ý rằng cách tính ngày đi đường nói trên sẽ không ngoại trừ ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ và các ngày nghỉ khác có hưởng lương. Việc tính hưởng thêm thời gian đi đường vào ngày nghỉ hằng năm sẽ chỉ được áp dụng cho một lần nghỉ trong năm. Thông thường, lịch nghỉ phép năm sẽ được thực hiện trong năm dương lịch, cụ thể là từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm tương ứng (cũng có nhiều doanh nghiệp quy định lịch nghỉ hàng năm được thực hiện trong năm tài chính ví dụ như từ ngày 01/04 của năm hiện tại đến hết ngày 31/03 của năm sau) và theo đó, NLĐ sẽ được NSDLĐ tính thêm ngày nghỉ đi đường vào ngày nghỉ hằng năm trong đợt nghỉ của năm đó.

Khi nghỉ hằng năm, NLĐ có quyền yêu cầu NSDLĐ tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất là bằng tiền lương của những ngày nghỉ. Tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường sẽ do hai bên thỏa thuận. Riêng đối với NLĐ miền xuôi mà phải làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và NLĐ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà phải làm việc ở miền xuôi thì NSDLĐ có trách nhiệm thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường cho NLĐ khi NLĐ nghỉ hằng năm.

Hiện nay, quy định của pháp luật lao động chưa có hướng dẫn nào cụ thể hơn về khái niệm “NLĐ miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và NLĐ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm việc ở miền xuôi” để làm căn cứ thanh toán tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường cho NLĐ khi nghỉ phép hằng năm. Vì vậy, trong trường hợp xét thấy NLĐ có nơi sinh sống hoặc nơi làm việc ở các vùng không thuộc các tỉnh, thành trung tâm, NSDLĐ nên gửi văn bản tham khảo ý kiến của Bộ LĐTBXH hay Sở LĐTBXH tỉnh/thành phố về vấn đề này trước khi thực hiện để tạo cơ sở rõ ràng hơn cho việc áp dụng và thực hiện.

Ngoài ra, khi NSDLĐ chi trả lợi ích về tiền tàu xe, tiền lương cho NLĐ theo quy định nói trên, về mặt pháp lý, để có thể được xem là chi phí hợp lệ để NSDLĐ được khấu trừ về TTNDN, NSDLĐ nên quy định rõ về việc chi trả này trong TƯLĐTT. Trường hợp chưa có TƯLĐTT thì nên quy định nội dung này trong HĐLĐ hay phụ lục HĐLĐ.

5.2.5.      Nghỉ lễ, tết

NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào những ngày lễ, tết tổng cộng là 10 ngày, bao gồm ngày 01/01 dương lịch (01 ngày), Tết âm lịch (05 ngày), ngày 30/4 dương lịch (01 ngày), ngày Quốc tế lao động 01/5 dương lịch (01 ngày), ngày Quốc khánh 2/9 dương lịch (01 ngày) và ngày Giỗ tổ hùng vương 10/3 âm lịch (01 ngày). Nếu các ngày nghỉ này trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì NLĐ sẽ được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Lưu ý:  Thời gian nghỉ Tết âm lịch do NSDLĐ lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch. NSDLĐ phải thông báo phương án nghỉ Tết âm lịch cho NLĐ trước khi thực hiện ít nhất là 30 ngày.

Đối với NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì ngoài ngày nghỉ lễ nêu trên, NLĐ là người nước ngoài còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

5.2.6.      Nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương

NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương khi: NLĐ kết hôn (nghỉ 03 ngày), con kết hôn (nghỉ 01 ngày), bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết (nghỉ 03 ngày).

5.2.7.      Nghỉ việc riêng không hưởng lương

Trong trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của NLĐ chết; bố hoặc mẹ của NLĐ kết hôn; anh, chị, em ruột của NLĐ kết hôn thì NLĐ được nghỉ 01 ngày không hưởng lương nhưng phải thông báo với NSDLĐ.

Đối với các trường hợp khác, NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ không hưởng lương.


[1] Điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013.