Trả lời:
Theo quy định của BLLĐ, thời hạn giấy phép lao động của NLĐ là người nước ngoài sẽ theo thời hạn của HĐLĐ dự kiến sẽ được giao kết, nhưng sẽ không quá 02 năm[1]. Về mặt nguyên tắc, thời hạn của giấy phép lao động thường được cấp bằng với khoảng thời gian làm việc dự kiến của NLĐ là người nước ngoài ghi trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của doanh nghiệp. Các bên sẽ có nghĩa vụ giao kết HĐLĐ theo các nội dung của giấy phép lao động đã được cấp. Nếu nội dung của HĐLĐ (bao gồm nội dung về thời hạn hợp đồng) không đúng với nội dung của giấy phép lao động thì giấy phép lao động sẽ hết hiệu lực.
Về trình tự cấp giấy phép lao động[2], trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày NLĐ là người nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam thì NSDLĐ phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở LĐTBXH nơi NLĐ là người nước ngoài dự kiến làm việc. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động của doanh nghiệp, Sở LĐTBXH có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép lao động cho NLĐ là người nước ngoài. Nếu không cấp giấy phép lao động thì Sở LĐTBXH sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không cấp. Sau khi NLĐ là người nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì NSDLĐ và NLĐ là người nước ngoài phải giao kết HĐLĐ bằng văn bản trước ngày dự kiến NLĐ là người nước ngoài sẽ làm việc cho doanh nghiệp. Như vậy, theo quy trình nêu trên thì có thể thấy rằng giấy phép lao động sẽ được cấp trước ngày mà NLĐ là người nước ngoài dự kiến sẽ làm việc và các bên cũng sẽ phải giao kết HĐLĐ ngay vào hay trước ngày đó.
Trên thực tế, khi xin cấp giấy phép lao động cho NLĐ là người nước
ngoài, thời điểm bắt đầu của thời hạn giấy phép lao động sẽ được ghi nhận tại Mục
9 của mẫu giấy phép lao động thường sẽ được các cơ quan quản lý lao động có thẩm
quyền cộng thêm 10-15 ngày sau ngày cấp giấy phép lao động đó.
[1] Điều 10.1 Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020
[2] Điều 11 của Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020