Câu hỏi 14. Nếu giải thể văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, NLĐ làm việc cho văn phòng đại diện có được thanh toán trợ cấp thôi việc hay trợ cấp mất việc làm khi HĐLĐ của họ bị chấm dứt không?

Trả lời:

BLLĐ chỉ có quy định chung về việc HĐLĐ chấm dứt chứ không có quy định nào hướng dẫn riêng biệt dành cho trường hợp chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ làm việc cho văn phòng đại diện (“VPĐD”) của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khi VPĐD đóng cửa hoạt động. Tuy nhiên, căn cứ vào các trường hợp chấm dứt HĐLĐ được liệt kê tại BLLĐ[1], có hai luồng quan điểm khác nhau trong việc áp dụng trường hợp chấm dứt HĐLĐ đối với tình huống nêu trên. Cụ thể:

  • Quan điểm thứ nhất: HĐLĐ với NLĐ sẽ được chấm dứt theo trường hợp NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động được quy định tại Điều 34.7 BLLĐ. Theo đó, khi chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ có nghĩa vụ thanh toán trợ cấp thôi việc cho NLĐ nào có thời gian làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tương ứng với mỗi năm làm việc là nửa tháng tiền lương[2]; và
  • Quan điểm thứ hai: HĐLĐ với NLĐ sẽ chấm dứt theo trường hợp NSDLĐ thay đổi cơ cấu tổ chức được quy định tại Điều 34.11 và Điều 42 của BLLĐ. Theo đó, khi chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ có nghĩa vụ thanh toán trợ cấp mất việc làm cho NLĐ nào có thời gian làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên với mức hưởng là 01 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc nhưng tối thiểu là 02 tháng tiền lương, đây là mức cao hơn so với trợ cấp thôi việc như đã nêu ở trên[3].

Thực tiễn tố tụng cho thấy, có nhiều Tòa án có thẩm quyền khi xét xử các tranh chấp lao động trong những trường hợp tương tự thường có cùng ý kiến với quan điểm thứ hai ở trên. Theo đó, Tòa án lập luận và căn cứ vào các quy định của pháp luật điều chỉnh riêng đối với VPĐD. Cụ thể, VPĐD được xem như là một đơn vị “phụ thuộc” của thương nhân nước ngoài[4] nên trước khi đóng cửa VPĐD, thương nhân nước ngoài phải có trách nhiệm giải quyết đầy đủ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ đã làm việc tại VPĐD theo quy định của pháp luật[5]. Vì vậy, NSDLĐ thực sự trong trường hợp này được xem là thương nhân nước ngoài chứ không phải là VPĐD của họ tại Việt Nam. Nếu thương nhân nước ngoài không chấm dứt hoạt động ở nước ngoài theo luật của nước ngoài mà chỉ là chấm dứt hoạt động VPĐD của họ tại Việt Nam thì sẽ được xem là trường hợp NSDLĐ thay đổi cơ cấu tổ chức[6]. Do đó, NLĐ nào làm việc tại VPĐD ở Việt Nam mà bị cho thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức thì sẽ được trả trợ cấp mất việc làm bên cạnh các khoản phải trả khác khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc chấm dứt HĐLĐ theo trường hợp NSDLĐ thay đổi cơ cấu tổ chức cần tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật lao động. Trước khi tiến hành việc tái cấu trúc, NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; nếu có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại cho NLĐ bị ảnh hưởng để tiếp tục sử dụng. Nếu không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho nhiều NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ. NSDLĐ phải trao đổi về việc cho thôi việc NLĐ với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp Tỉnh và cho NLĐ. Như vậy, nếu thương nhân nước ngoài nào có các VPĐD hoặc chi nhánh khác của họ tại Việt Nam mà còn chỗ làm trống, thì những NLĐ nào đang làm việc tại VPĐD dự định đóng cửa có thể phải được ưu tiên đào tạo lại và tiếp tục sử dụng cho các chỗ làm còn trống tại các VPĐD hoặc chi nhánh khác tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài.

Với thực tiễn xét xử tranh chấp tại Tòa án như đã trình bày trên, thương nhân nước ngoài khi giải thể VPĐD của họ tại Việt Nam cần lưu ý để thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình, thủ tục tái cấu trúc tổ chức như được nêu ở trên khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ làm việc tại VPĐD, bao gồm việc thanh toán trợ cấp mất việc làm cho NLĐ. Nếu không tuân thủ đúng các quy định trên, thương nhân nước ngoài có thể bị xem là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nếu có khiếu nại hoặc khởi kiện từ phía NLĐ ra cơ quan quản lý lao động hoặc Tòa án có thẩm quyền. Khi đó, có rũi ro là VPĐD được cho là có nghĩa vụ thanh toán và bồi thường cho NLĐ của VPĐD các khoản phải trả cho NLĐ theo quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên, nhằm tránh các thủ tục và quy trình phức tạp từ việc chấm dứt HĐLĐ theo trường hợp tái cấu trúc tổ chức như đã nêu ở trên, thương nhân nước ngoài và VPĐD cũng có thể xem xét phương án thương lượng để đi đến thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo quy định tại Điều 34.3 BLLĐ. Để việc thương lượng bảo đảm thành công và hiệu quả cho cả các bên, mức phải trả tối thiểu cho NLĐ nên được xem xét thấp nhất cũng phải bằng với mức tương ứng với khoản trợ cấp mất việc làm (01 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc).


[1] Điều 34 BLLĐ

[2] Điều 46.1 BLLĐ

[3] Điều 47.1 BLLĐ

[4] Điều 3.6 Luật Thương mại

[5] Điều 38.2 Nghị định 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ

[6] Điều 44.1 BLLĐ2012 và Điều 13.1 (a) Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ