Câu hỏi 107. NLĐ là người nước ngoài làm việc bán thời gian theo HĐLĐ giao kết với NSDLĐ tại Việt Nam từ 03 đến dưới 12 tháng thì NSDLĐ có phải đóng BHYT cho NLĐ không? Nếu phải đóng thì tiền lương làm căn cứ để đóng BHYT là bao nhiêu khi HĐLĐ quy định mức lương được trả theo đơn giá của giờ làm việc nhân với số giờ làm việc thực tế theo bảng chấm công? NSDLĐ có thể quy định một mức lương cơ bản (mức lương tối thiểu vùng) trong HĐLĐ để làm căn cứ đóng BHYT không?

Trả lời:

1. NLĐ là người nước ngoài làm việc bán thời gian theo HĐLĐ từ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì NSDLĐ có phải đóng BHYT cho NLĐ không?

Theo quy định của BLLĐ, NSDLĐ và NLĐ khi giao kết HĐLĐ phải tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc như sau: (i) BHXH; (ii) BHYT; (iii) bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; và (iv) BHTN nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đối tượng tham gia BHYT bắt buộc là NLĐ, kể cả NLĐ là người Việt Nam hay NLĐ là người nước ngoài, làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên nhưng không quá 36 tháng theo quy định của BLLĐ. Mặt khác, NLĐ làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ với NLĐ làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh[1]. Do đó, có thể hiểu rằng, trong trường hợp này NSDLĐ phải đóng BHYT cho NLĐ là người nước ngoài theo loại HĐLĐ đã giao kết.

Cần lưu ý rằng, NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với NSDLĐ tại Việt Nam sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu NLĐ là người nước ngoài chưa đủ điều kiện tham gia, NSDLĐ sẽ phải thanh toán trực tiếp cho họ một khoản tiền tương ứng với mức đóng BHXH và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cùng kỳ với kỳ thanh toán tiền lương hàng tháng.

Riêng đối với BHTN, vì NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia chế độ BHTN tại Việt Nam theo quy định, cho nên NSDLĐ phải thanh toán trực tiếp cho NLĐ là người nước ngoài một khoản tiền tương ứng với mức đóng BHTN theo quy định, tức bằng 01% mức tiền lương tháng đóng BHTN. Hoặc có thể hiểu theo một cách khác, NSDLĐ sẽ thanh toán cho NLĐ là người nước ngoài tiền trợ cấp thôi việc hoặc tiền trợ cấp mất việc làm, tùy vào lý do chấm dứt tại từng thời điểm chấm dứt, khi chấm dứt HĐLĐ.

2.Nếu phải đóng thì tiền lương làm căn cứ để đóng BHYT là bao nhiêu khi HĐLĐ quy định mức lương được trả theo đơn giá của giờ làm việc nhân với số giờ làm việc thực tế theo bảng chấm công?

Điều 5.2 Luật BHXH quy định mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của NLĐ. Mức đóng BHYT cũng sẽ được thực hiện trên sơ sở tiền lương tháng này. Mức đóng BHYT bằng 4.5% tiền lương tháng của NLĐ (trong đó, NSDLĐ đóng 3% và NLĐ đóng 1,5%)[2].

Qua tham khảo thêm hướng dẫn không chính thức của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương – Bộ LĐTBXH, cho mục đích đóng BHXH bắt buộc, NSDLĐ và NLĐ cần thỏa thuận với nhau về tiền lương mà NLĐ sẽ được nhận hàng tháng dựa vào số giờ làm việc cam kết trong HĐLĐ đã giao kết để làm cơ sở đóng các loại BHXH và BHYT bắt buộc.

Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng BHYT là 20 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở tại thời điểm xuất bản Quyển sách này là 1.490.000 đồng/tháng. Cần lưu ý rằng, mức tiền lương tháng đóng BHYT bắt buộc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (mức lương tối thiểu tại Vùng I từ ngày 01/01/2020 là 4.420.000 đồng/tháng) [3].

3. NSDLĐ có thể quy định một mức lương cơ bản (mức lương tối thiểu vùng) trong HĐLĐ để làm căn cứ đóng BHYT cho NLĐ không?

Mức lương tháng làm cơ sở để đóng BHXH bắt buộc phải phản ánh đúng thực tế số giờ mà NLĐ thường xuyên làm việc. Do đó, nếu để mức lương tối thiểu vùng là mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc trong HĐLĐ thì có thể xảy ra trường hợp thỏa thuận này khác nhiều so với mức lương mà NLĐ thực nhận. Khi đó, nếu cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, NSDLĐ có thể bị xem là không đóng đầy đủ BHXH bắt buộc cho NLĐ và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự[4].


[1] Điều 32.3 BLLĐ

[2] Điều 7.1(a) Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/10/2018

[3] Điều 3.1 (a) Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2019

[4] Điều 38.5 và 38.6 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/03/2020; Điều 122.3 Luật BHXH và Điều 216 Bộ luật Hình sự