Câu hỏi 131. Khi có phát sinh tranh chấp lao động với NLĐ và vụ việc được đưa ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết thì các bằng chứng mà các bên thu thập và cung cấp cho Tòa án ví dụ như băng thu âm nội dung các cuộc họp trao đổi; các cuộc nói chuyện qua điện thoại, tin nhắn điện thoại có là bằng chứng được Tòa án chấp thuận không?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự[1], các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được và các dữ liệu điện tử đều được xem là nguồn chứng cứ hợp pháp. Tuy nhiên, để các bên đương sự, khi cần thiết có thể sử dụng và trình nộp cho Tòa án có thẩm quyền như là chứng cứ nhằm bảo vệ quan điểm của mình trong các tranh chấp, các nguồn chứng cứ ngoài việc phải hàm chứa nội dung rõ ràng có liên quan đến tranh chấp, còn phải thỏa mãn những điều kiện nhất định về mặt hình thức theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong đó:

  • Đối với các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc có liên quan tới việc thu âm, thu hình đó; và
  • Đối với thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Theo đó, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác[2].

Từ các quy định nêu trên thì có thể thấy rằng, các băng thu âm, ghi hình hoặc tin nhắn điện thoại mà các đương sự xuất trình trong việc giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp lao động nói riêng sẽ không hiển nhiên được xem là chứng cứ được Tòa án có thẩm quyền chấp thuận, trừ khi đáp ứng được các điều kiện về hình thức như được nêu ở trên. Cụ thể, trong vụ án tranh chấp lao động, các tin nhắn điện thoại, email trao đổi giữa NSDLĐ và NLĐ sẽ có giá trị làm chứng cứ nếu các tin nhắn điện thoại và email đó được gửi từ chính tài khoản email hoặc số điện thoại của NSDLĐ và NLĐ.

Đối với các băng thu âm về nội dung các cuộc họp trao đổi, các cuộc nói chuyện qua điện thoại, các băng thu âm sẽ được xem là chứng cứ hợp pháp nếu đương sự xuất trình được cùng với biên bản làm việc về nội dung cụ thể trong băng thu âm (biên bản họp xử lý KLLĐ, biên bản làm việc về đánh giá NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc…), có đầy đủ chữ ký của các bên; văn bản xác nhận của các bên về việc thu âm; hoặc các bên đều thừa nhận trước Tòa án có thẩm quyền giọng nói trong băng thu âm là của mình, thừa nhận nội dung trao đổi trong băng thu âm là đúng sự thật… Nếu NLĐ hoặc NSDLĐ tự ý thu âm mà không cung cấp được các văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc có liên quan tới việc thu âm đó thì băng thu âm về nội dung các cuộc họp trao đổi, các cuộc nói chuyện qua điện thoại sẽ không được Tòa án có thẩm quyền công nhận là chứng cứ hợp pháp, mà chỉ là có giá trị tham khảo trong quá trình xét xử.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đối với các tranh chấp lao động có liên quan đến việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc xử lý KLLĐ trái pháp luật, nghĩa vụ chứng minh theo quy định lại thuộc về NSDLĐ dù NLĐ chính là nguyên đơn trong vụ án[3]. Vì vậy, mặc dù các băng thu âm về nội dung các cuộc họp trao đổi, các cuộc nói chuyện qua điện thoại do NLĐ cung cấp cho Tòa án (nếu có) có thể sẽ không được xem là chứng cứ do thiếu văn bản xác nhận xuất xứ theo quy định của pháp luật nói trên nhưng xét cho cùng thì sự tồn tại của các băng thu âm đó cũng không làm thay đổi nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp này. Bởi lẽ, NSDLĐ vẫn sẽ là bên có nghĩa vụ chứng minh cho các quyết định chấm dứt HĐLĐ và/hoặc quyết định xử lý KLLĐ của NSDLĐ là đúng với quy định của pháp luật.


[1] Khoản 1, Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự

[2] Điều 14.2 Luật Giao dịch điện tử

[3] Điều 91.1 (b) Bộ luật Tố tụng dân sự