Câu hỏi 231. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thay mặt doanh nghiệp giao kết HĐLĐ với chính mình có hợp pháp hay không?

NSDLĐ có thẩm quyền giao kết HĐLĐ bao gồm: NĐDTPL, người trực tiếp sử dụng NLĐ và người được ủy quyền giao kết HĐLĐ. NLĐ có thể tự mình hoặc ủy quyền cho NLĐ trong cùng nhóm để thực hiện giao kết HĐLĐ [1]. Như vậy, nếu một người vừa là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, vừa là NLĐ của doanh nghiệp đó, liệu họ có được ký HĐLĐ với chính mình hay không?

Liên quan đến giao dịch dân sự với chính mình, Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác. Tuy nhiên, một cá nhân hay pháp nhân không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác[2].

Như vậy, việc trong cùng một hợp đồng mà một người thực hiện ký với hai tư cách sẽ dẫn đến hệ quả pháp lý là hợp đồng này sẽ bị tuyên vô hiệu do vi phạm Điều 123 BLDS về vi phạm điều cấm của luật. Để tránh hệ quả này, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể ủy quyền cho một người thứ ba khác nào đó trong doanh nghiệp để ký HĐLĐ với mình bởi lẽ theo Điều 18 BLLĐ, người được ủy quyền theo quy định của pháp luật cũng có thể đại diện bên NSDLĐ để tiến hành giao kết hợp đồng. Bên cạnh đó, pháp luật dân sự cũng quy định, một pháp nhân có thể có nhiều NĐDTPL[3]. Do đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể ủy quyền cho một người khác theo quy định của pháp luật để ký HĐLĐ với mình là hợp lý và hợp pháp.

Mặt khác, Điều 141.3 BLDS cũng có đề cập đến những trường hợp pháp luật có quy định khác mà một cá nhân hay pháp nhân có thể xác lập giao dịch dân sự với chính mình. Cụ thể:

  1. Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, hợp đồng giao dịch giữa công ty với NĐDTPL của công ty có thể được ký kết nếu được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên[4]. Khi đó người này được phép ký hợp đồng với chính mình nhưng với 2 tư cách: NĐDTPL và bản thân người đại diện.
  2. Trong công ty TNHH một thành viên, nếu Điều lệ của công ty không có quy định khác, công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có thể giao kết HĐLĐ với chủ sở hữu của công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc[5]. Tuy nhiên, với điều kiện được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định và phải được ghi chép lại, lưu giữ thành hồ sơ riêng của công ty.
  • Trong công ty cổ phần, các hợp đồng hay giao dịch giữa công ty với người đại diện, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có thể được ký kết nếu đã được Đại hội đồng cổ đồng hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận[6].

Như vậy, nếu NĐDTPL của doanh nghiệp không thuộc các trường hợp được pháp luật cho phép như trên, để giao kết hợp đồng hay giao dịch với NĐDTPL thì phải thực hiện việc ủy quyền lại theo quy định của pháp luật để đảm bảo hiệu lực pháp luật cho hợp đồng hay giao dịch đã ký.

[1] Điều 18 Bộ luật Lao động 2019

[2] Điều 141.3 Bộ luật Dân sự 2015

[3] Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015

[4] ĐIều 67 Luật doanh nghiệp 2020

[5] Điều 86 Luật doanh nghiệp 2020

[6] Điều 162 Luật doanh nghiệp 2020

 

Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!