Câu hỏi 233. NLĐ có quyền đề nghị hoãn thực hiện HĐLĐ không và thời hạn tối đa tạm hoãn HĐLĐ sẽ là bao lâu?

NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận tạm hoãn việc thực hiện HĐLĐ hoặc HĐLĐ có thể được tạm hoãn trong một số trường hợp được quy định tại BLLĐ 2019, bao gồm: (i) NLĐ thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; (ii) NLĐ bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; (iii) NLĐ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc; (iv) NLĐ là nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi; (v) NLĐ được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; (vi) NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (vii) NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác; hoặc (viii) do các bên tự thỏa thuận.

Pháp luật về lao động hiện hành không có quy định cụ thể về trình tự, nội dung, thời gian, v.v… thực hiện việc tạm hoãn HĐLĐ, trừ quy định NLĐ nữ mang thai có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ thì phải thông báo cho NSDLĐ kèm theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Nói cách khác, pháp luật về lao động đề cao sự tự thỏa thuận của các bên trong việc hoãn thực hiện HĐLĐ cho nên nếu NLĐ có nhu cầu thì có thể đưa ra đề nghị với NSDLĐ và cùng thỏa thuận với NSDLĐ về nội dung cũng như thời gian tạm hoãn việc thực hiện HĐLĐ.

Cần lưu ý rằng, nếu các bên không có thỏa thuận gì khác hoặc pháp luật không có quy định khác, trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, NLĐ sẽ không được hưởng lương và quyền cũng như lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ.

Ngoài ra, pháp luật về lao động cũng gián tiếp quy định rằng thời gian tạm hoãn HĐLĐ vẫn được tính vào thời gian thực hiện HĐLĐ đã ký.  Điều này đồng nghĩa với việc nếu các bên không có thỏa thuận khác, thời gian tạm hoãn HĐLĐ sẽ được tính vào thời hạn HĐLĐ và mối quan hệ lao động của các bên cũng có thể bị đương nhiên chấm dứt trong thời gian tạm hoãn nếu HĐLĐ hết hạn trong thời gian đó. NSDLĐ và NLĐ cần chú ý đến vấn đề này để thỏa thuận thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ sao cho phù hợp với quy định của pháp luật về lao động cũng như phương án kế tiếp sau khi hết thời hạn tạm hoãn.

 

Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!