Câu hỏi 4. Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có được quyền trực tiếp tuyển dụng nhân sự là người Việt Nam không? Nếu không được quyền thì phải thông qua các cơ quan Nhà nước nào? Văn phòng đại diện có phải trả phí dịch vụ tuyển dụng cho các cơ quan Nhà nước đó không? Nếu các cơ quan Nhà nước đó không tìm được ứng viên theo yêu cầu thì văn phòng đại diện có thể trực tiếp tuyển dụng không? Theo quy định thì thời gian chờ đợi các cơ quan Nhà nước tìm được người phù hợp là bao lâu? Nếu được phép tuyển dụng trực tiếp thì văn phòng đại diện vẫn phải báo cáo tuyển dụng định kỳ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không?

Trả lời:

1. Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có được quyền trực tiếp tuyển dụng nhân sự là người Việt Nam không? Nếu không được quyền thì phải thông qua các cơ quan Nhà nước nào? Văn phòng đại diện có phải trả phí dịch vụ tuyển dụng cho các cơ quan Nhà nước đó không?

Theo quy định của pháp luật về thương mại[1], văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (“VPĐD”) không được trực tiếp tuyển dụng NLĐ là người Việt Nam mà phải thông qua các tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý NLĐ là người Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Theo đó, việc tuyển chọn, giới thiệu và quản lý NLĐ là người Việt Nam làm việc tại VPĐD sẽ thuộc thẩm quyền của các tổ chức được Sở LĐTBXH giao hoặc ủy quyền. Ví dụ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền là Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Nếu các cơ quan Nhà nước không tìm được người theo yêu cầu thì văn phòng đại diện có thể trực tiếp tuyển dụng không? Thời gian chờ đợi các cơ quan Nhà nước tìm được ứng viên phù hợp là bao lâu? Nếu được phép tuyển dụng trực tiếp thì văn phòng đại diện vẫn phải báo cáo định kỳ cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không?  

Dù việc tuyển dụng NLĐ là người Việt Nam làm việc tại VPĐD không nhất thiết phải tiến hành thông qua các tổ chức được Sở LĐTBXH giao hoặc ủy quyền nhưng nếu việc tuyển dụng NLĐ là người Việt Nam theo hình thức này thì VPĐD vẫn phải tuân thủ quy trình, thủ tục tuyển dụng như sau[2]:

  • Bước 1: Khi có nhu cầu sử dụng NLĐ là người Việt Nam, VPĐD phải gửi văn bản đề nghị tuyển NLĐ là người Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển và quản lý NLĐ Việt Nam. Trong văn bản đề nghị phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm; số lượng; trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ; thời hạn cần tuyển; và quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ là người Việt Nam và VPĐD trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển;
  • Bước 2A: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của VPĐD, tổ chức có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm tuyển chọn, giới thiệu NLĐ là người Việt Nam theo đề nghị của VPĐD;
  • Bước 2B: Hết thời hạn được nêu ở trên mà tổ chức có thẩm quyền không tuyển chọn, giới thiệu được NLĐ là người Việt Nam thì phải có văn bản trả lời cho VPĐD và nêu rõ lý do; và
  • Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi ký kết HĐLĐ với NLĐ là người Việt Nam, VPDĐ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng và quản lý NLĐ Việt Nam kèm theo các giấy tờ sau đây:
  • Bản sao có chứng thực của HĐLĐ đã giao kết với NLĐ là người Việt Nam, nếu HĐLĐ bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt;
  • Bản sao có chứng thực giấy khai sinh, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của NLĐ; và
  • Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ có liên quan đến công việc mà NLĐ đăng ký dự tuyển. Nếu các giấy tờ là của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài có liên quan đều là quốc gia thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; các tài liệu này phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, tóm lại VPĐD vẫn có thể tự mình trực tiếp tuyển dụng NLĐ là người Việt Nam nhưng phải thực hiện một số yêu cầu theo quy định.

Ngoài ra, trước ngày 15/12 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, VPĐD còn phải báo cáo tình hình tuyển dụng, sử dụng NLĐ là người Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng và quản lý NLĐ là người Việt Nam theo Mẫu 02/PLII được ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ[3]. Thời gian chốt số liệu báo cáo hàng năm được tính từ ngày 15/12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của năm của kỳ báo cáo. Do đó, dù VPĐD trực tiếp tuyển dụng hay thông qua tổ chức được Sở LĐTBXH giao hoặc ủy quyền, VPĐD vẫn phải báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng và sử dụng NLĐ là người Việt Nam cho tổ chức được Sở LĐTBXH giao hoặc ủy quyền.


[1] Điều 17.3 Luật Thương mại và Điều 2.3 (đ), Điều 22.1 (b) và Điều 22.3 (a) Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020

[2] Điều 24 Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020

[3] Điều 26 Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020