Câu hỏi 22. Các rủi ro pháp lý có liên quan đến việc thực hiện thủ tục thông báo chấm dứt đối với HĐLĐ xác định thời hạn khi HĐLĐ đã hết thời hạn.

Trả lời:

1. Thủ tục thông báo để chấm dứt HĐLĐ xác định thời hạn khi hết thời hạn hợp đồng.

Trừ trường hợp NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết thời hạn HĐLĐ thì phải được gia hạn HĐLĐ đã giao kết cho đến hết nhiệm kỳ[1]., đối với các trường hợp còn lại, NSDLĐ có thể tiến hành các bước thủ tục sau đây để chấm dứt HĐLĐ xác định thời hạn khi HĐLĐ hết hạn:

  • Khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, NSDLĐ sẽ thông báo cho NLĐ bằng văn bản về thời điểm chấm dứt HĐLĐ[2];
  • Trong vòng 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, các bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trong trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài thời hạn nhưng không được quá 30 ngày[3]; và
  • Các “trường hợp đặc biệt” có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày bao gồm[4]: (i) NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động; (ii) Thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;  (iii) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; và (iv) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

2. Các rủi ro pháp lý có liên quan đến việc thông báo chấm dứt HĐLĐ xác định thời hạn khi hết thời hạn hợp đồng

Khi HĐLĐ xác định thời hạn đã hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, các bên phải giao kết HĐLĐ mới; nếu không giao kết thì HĐLĐ đã giao kết sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn[5].

Nếu NSDLĐ không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (nếu có) cho NLĐ theo thời hạn được quy định tại Điều 48.1 BLLĐ; NSDLĐ không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của NLĐ sau khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 48.3 BLLĐ thì sẽ có thể bị phạt tiền theo một trong các mức sau đây[6]:

  • Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 đến 10 NLĐ;
  • Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 đến 50 NLĐ;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 đến 100 NLĐ;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 đến 300 NLĐ; và
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

Mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với NSDLĐ nào là cá nhân. Còn đối với NSDLĐ là tổ chức thì mức phạt sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền áp dụng đối với NSDLĐ là cá nhân[7].

Vì vậy, để tránh rủi ro pháp lý được nêu ở trên, khi chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải thường xuyên theo dõi các HĐLĐ sắp hết hạn và báo sớm cho NLĐ nếu không muốn tái ký HĐLĐ cũng như phải đảm bảo việc thanh toán cho NLĐ các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc và hoàn trả các tài sản khác cho NLĐ (nếu có) theo quy định của BLLĐ.


[1] Điều 34.1 và 177.4 BLLĐ

[2] Điều 45.1 BLLĐ

[3] Điều 48.1 BLLĐ

[4] Điều 48.1 BLLĐ

[5] Điều 20.2 BLLĐ

[6] Điều 11.1 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/03/2020

[7] Điều 5.1 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/03/2020

 

Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!