Câu hỏi 2. Đối tượng áp dụng của BLLĐ là ai? Quan hệ pháp luật nào sẽ chịu sự điều chỉnh của BLLĐ? HĐLĐ đã có hiệu lực có phải là tiền đề bắt buộc để chứng minh các bên có mối quan hệ lao động không?

Trả lời:

  1. Đối tượng áp dụng của BLLĐ là ai?

Theo quy định tại Điều 2 BLLĐ, đối tượng áp dụng của BLLĐ bao gồm:

NLĐ Việt Nam[1] : – NLĐ từ đủ 18 tuổi trở lên;  
– NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của NLĐ;
– Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó, và
– NLĐ phải có khả năng lao động, làm việc theo HĐLĐ, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của NSDLĐ.
Người học nghề, tập nghề[2] : – Người học nghề là người được NSDLĐ tuyển vào doanh nghiệp để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc;  
– Người học nghề là người được NSDLĐ tuyển vào doanh nghiệp để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc;

– Người học nghề, tập nghề phải đủ 14 tuổi và có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu của nghề; đối với các công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐTBXH ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ các lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Người làm việc không có quan hệ lao động[3] : Người làm việc không trên cơ sở thuê mướn thông qua việc giao kết HĐLĐ.
NSDLĐ[4] : Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo thỏa thuận; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam : NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam dưới các hình thức được quy định tại Điều 2.1 Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động : Cơ quan, cá nhân quản lý Nhà nước về lao động: Sở LĐTBXH, Bộ LĐTBXH, Tòa án nhân dân các cấp; chủ tịch UBND cấp Tỉnh… và các cơ quan, tổ chức khác.

2. Quan hệ pháp luật nào sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động? HĐLĐ đang có hiệu lực có phải là một tiền đề bắt buộc để chứng minh giữ các bên có mối quan hệ lao động không?

BLLĐ quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ trong mối quan hệ lao động, cụ thể là mối quan hệ thuê mướn, sử dụng và trả lương giữa NSDLĐ và NLĐ, và các mối quan hệ khác có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ lao động. Ngoài các mối quan hệ được thiết lập từ HĐLĐ, BLLĐ còn điều chỉnh những mối quan hệ lao động phát sinh trong quá trình NLĐ được dạy nghề, học nghề, đưa đi đào tạo[5], quá trình thử việc[6]. Đối với NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chỉ khi nào họ làm việc dưới hình thức thực hiện HĐLĐ thì các bên mới giao kết HĐLĐ. Các hình thức làm việc khác của NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (ví dụ như di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hay để thực hiện các hợp đồng kinh tế, thương mại, dịch vụ) sẽ không được yêu cầu phải giao kết HĐLĐ. Theo đó, HĐLĐ không phải là tiền đề bắt buộc của mối quan hệ lao động trong mọi trường hợp.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 13 BLLĐ, HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mối quan hệ lao động. Bên cạnh đó, BLLĐ còn điều chỉnh những mối quan hệ lao động phát sinh trong quá trình đào tạo nghề. Do đó, chỉ căn cứ vào HĐLĐ để xác định mối quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ là chưa thật sự đầy đủ mà cần xem xét đến các mối quan hệ lao động khác đã hình thành trước khi các bên giao kết HĐLĐ chẳng hạn như hợp đồng thử việc trong quá trình thử việc, hợp đồng đào tạo nghề trong quá trình đào tạo nghề. Đó là chưa kể đến việc xác định mối quan hệ lao động nếu NLĐ là người nước ngoài cũng không thể chỉ đơn thuần dựa vào HĐLĐ vì việc giao kết HĐLĐ với NLĐ là người nước ngoài đã có giấy phép lao động chỉ áp dụng đối với trường hợp NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức thực hiện HĐLĐ[7].


[1] Điều 3.1 và Điều 18.4 BLLĐ

[2] Điều 61 BLLĐ

[3] Điều 3.6 BLLĐ

[4] Điều 3.2 và 18.3 BLLĐ

[5] Điều 59, 61 và 62 BLLĐ

[6] Điều 24 BLLĐ

[7] Điều 2.1 (a) Nghị định 152/2020/NĐ-CP /NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020.

 

Biểu mẫu này được soạn thảo trên cơ sở dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật lao động mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm về hành nghề luật sư trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy biểu mẫu chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website của Công ty luật Phuoc & Partners nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái!