CHƯƠNG XIII: KHIẾU NẠI LAO ĐỘNG

Trong mối quan hệ lao động, việc cân bằng lợi ích của hai bên NLĐ và NSDLĐ là chìa khóa để duy trì một mối quan hệ lao động bền vững. Tuy vậy, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp khi NLĐ cảm thấy một quyết định hay hành vi nào đó của NSDLĐ là không thỏa đáng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng NLĐ chẳng thể nào trao đổi với NSDLĐ theo cách thông thường được, thì NLĐ có quyền tiến hành khiếu nại về lao động để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Thông qua khiếu nại, NLĐ có thể bảo vệ quyền lợi của họ cũng như giúp NLĐ giải quyết được những mâu thuẫn với NSDLĐ; nhằm hạn chế được phần nào những tranh chấp tiềm ẩn có thể xảy ra giữa NSDLĐ và NLĐ.

Quy trình khiếu nại về lao động của NLĐ sẽ bắt đầu với việc khiếu nại lần đầu (đến NSDLĐ) và tiếp đó là khiếu nại lần hai (đến Chánh thanh tra Sở LĐTBXH nơi NSDLĐ đặt trụ sở) hoặc khi NLĐ có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của NSDLĐ là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Sau khi khiếu nại lần đầu và đã được giải quyết mà NLĐ vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà NLĐ không nhận được kết quả giải quyết khiếu nại, thì NLĐ có quyền  tiến hành khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Dù vậy, không phải bất kỳ lúc nào thì NLĐ cũng có quyền khiếu nại về lao động mà việc khiếu nại phải được tiến hành trong thời hiệu do pháp luật quy định. Quá thời gian này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ không có cơ sở để giải quyết khiếu nại của NLĐ.

NLĐ có thể khiếu nại bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Nếu là khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của NLĐ; tên doanh nghiệp và địa chỉ của NSDLĐ; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do NLĐ ký tên hoặc điểm chỉ. Trong khi đó, nếu NLĐ khiếu nại trực tiếp thì NSDLĐ có trách nhiệm phải hướng dẫn NLĐ viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại của NSDLĐ ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại như trường hợp khiếu nại bằng hình thức gửi đơn và yêu cầu NLĐ ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

Trường hợp tập thể NLĐ cùng khiếu nại về cùng một nội dung thì tập thể NLĐ phải cử ra một người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của NSDLĐ. Đối với đơn khiếu nại mà tập thể NLĐ cùng gửi đơn thì đơn này phải có chữ ký đầy đủ của tập thể NLĐ. Nếu là khiếu nại trực tiếp thì người đại diện của tập thể NLĐ sẽ phải ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản theo yêu cầu của NSDLĐ.

Lưu ý là NLĐ hoặc tập thể NLĐ có thể tự mình thực hiện khiếu nại thông qua hai hình thức nêu trên hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thay nhưng NLĐ hoặc tập thể NLĐ phải cung cấp giấy ủy quyền hợp lệ để chứng minh tính hợp pháp của việc ủy quyền trên.

Về phía NSDLĐ, NSDLĐ cần nắm rõ các quy định pháp luật để giải quyết yêu cầu khiếu nại của NLĐ đúng thời hạn và trình tự mà luật yêu cầu.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm Quy trình 13 – Giải quyết khiếu nại về lao động tại Phần 2, Chương I Quyển Sổ tay này.