Công văn 1492/TCCDNN-ĐTTXV/v triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỔNG CỤC GIÁO DỤC
NGHỀ NGHIỆP

——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 1492/TCCDNN-ĐTTX
V/v triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2021

 

Kính gửi: – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động1 gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị:

  1. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo:

– Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới các đơn vị chuyên môn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, người sử dụng lao động, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nội dung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

– Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, dự báo nhu cầu đào tạo trên địa bàn; cử bộ phận thường trực để kịp thời tiếp nhận hồ sơ, xử lý những khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện.

– Chỉ đạo các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

– Xem xét phương án đào tạo, hồ sơ và quyết định việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo đúng thời gian quy định tại Quyết định số 23/QĐ-TTg và thông báo ngay đến doanh nghiệp, người sử dụng lao động kết quả xử lý hồ sơ để triển khai thực hiện.

– Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc đào tạo và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nhằm tránh việc lợi dụng chính sách; tổ chức đào tạo không đúng kế hoạch, không đảm bảo chất lượng, hiệu quả; người học sau khi đào tạo được cấp chứng chỉ đào tạo, do cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp cấp.

– Định kỳ ngày 25 hàng tháng hoặc đột xuất báo cáo tình hình thực hiện về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để tổng hợp; kịp thời phát hiện, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có hướng dẫn tháo gỡ với phương châm hỗ trợ thực chất cho người sử dụng lao động, người lao động, kịp thời, hiệu quả, chất lượng.

  1. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp:

– Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Riêng các trường cao đẳng nếu đào tạo trình độ sơ cấp đối với những nghề chưa có trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì có báo cáo gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trước khi tổ chức đào tạo; đối với các cơ sở đào tạo khác báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét quyết định;

– Tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo đúng phương án đã được phê duyệt; gắn việc đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phản ánh về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (qua Vụ Đào tạo thường xuyên), số điện thoại: 0243.974.0333 (số máy lẻ 605), Email: dttx.gdnn@molisa.gov.vn để nghiên cứu hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
– Như trên;
– Tổng cục trưởng (để b/c);
– Phòng TM và CN VN (để phối hợp);
– Lưu: VT, ĐTTX.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

Đỗ Năng Khánh

 

1 Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm.