Hội thảo “Quyền của người chưa thành niên trong Bộ Luật lao động sửa đổi”

Sáng ngày 23/4/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TBXH, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo “Quyền của người chưa thành niên trong Bộ Luật Lao động sửa đổi”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đồng chí Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc Hội, đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, cùng đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương…

Hội thảo “Quyền của Người chưa thành niên trong sửa đổi Bộ Luật Lao động” tập trung nghiên cứu và thảo luận về một trong những nội dung quan trọng được Bộ Luật Lao động quy định thành một Chương riêng (Chương 11: Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác). Lần sửa đổi này, nội dung dự thảo tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung các điều Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lao động và yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như đặt ra các quy định nhằm nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Yêu cầu của việc sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này là sửa đổi cơ bản, toàn diện để giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động nhằm đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây và đáp ứng yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế với cam kết thực hiện 4 nguyên tắc về các điều kiện lao động cơ bản của người lao động tại nơi làm việc theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh thông điệp chính được các diễn giả trình bày tại Hội thảo đều đưa ra những nội dung cốt lõi về lao động chưa thành niên. Đó là, xác định các quy định nhằm bảo vệ quyền làm việc/ lao động phù hợp với lứa tuổi, không ảnh hưởng đến sự việc học tập, sự phát triển thể chất, tinh thần của người chưa thành niên. Trong đó, tập trung chủ yếu vào 4 nhóm vấn đề: Xác định độ tuổi lao động phù hợp; Các nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp; Công việc và địa điểm làm việc phù hợp với lao động chưa thành niên. Đồng thời, việc đưa ra những quy định bảo vệ quyền của trẻ em/người chưa thành niên trong lao động là hết sức quan trọng góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu hội nhập thương mại của Việt Nam, đặc biệt là khi nước ta đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP và tiến tới ký kết, phê chuẩn EVFTA.

Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TBXH trình bày lộ trình, nội dung sửa đổi liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên

Điều tra quốc gia về lao động trẻ em thực hiện năm 2012 cho thấy có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em tại Việt Nam, trong đó hơn 32% làm việc trên 42 giờ một tuần. Trong số 1,75 triệu lao động trẻ em, 85% sống ở nông thôn. Số lao động trẻ em lớn nhất rơi vào nhóm 15-17 tuổi chiếm 58%, tiếp theo là nhóm 12-14 tuổi và 5 đến 11 tuổi. Phần lớn trẻ em lao động trong khu vực nông nghiệp. Các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và dịch vụ thu hút hàng trăm nghìn trẻ em.

Hiện Bộ Luật Lao động áp dụng cho người lao động thuộc khu vực kinh tế chính thức, trong khi phần lớn trẻ em lao động trong khu vực phi chính thức, các em dễ trở thành lao động trẻ em nếu không được bảo vệ.

Ông Vijaya Ratnam Raman, Cố vấn pháp luật và quyền trẻ em của UNICEF trình bày những khuyến nghị chính của UNICEF

Nội dung sửa đổi nhóm điều luật liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên gồm việc xác định độ tuổi tối thiểu; nghiêm cấm sử dụng công dân dưới độ tuổi lao động tối thiểu; đưa ra nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; xác định giờ làm việc; thời giờ nghỉ ngơi hợp lý; xác định địa điểm làm việc phù hợp.

Các đại biểu đề xuất những kiến nghị tại Hội thảo

Những nội dung được thảo luận tại Hội thảo đều là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới đông đảo người lao động,  và các doanh nghiệp. Do đó, các nội dung của Hội thảo cần được thảo luận lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền cơ bản tại nơi làm việc của người lao động, nhất là người chưa thành niên và góp phần hoàn thiện thể chế thị trường lao động đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.