Câu hỏi: Khi người lao động ký hợp đồng lao động mà trong đó có ghi địa điểm làm việc ở nhiều tỉnh thành mà có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì sẽ lấy mức lươngtối thiểu vùng của nơi nào làm căn cứ để xác định là mức lương được người sử dụng lao động trả theo hợp đồng lao động có cao hơn mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ công bố?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ đảm bảo trả lương cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo từng vùng khác nhau căn cứ vào nơi người lao động làm việc. Cụ thể, Điều 4.1 Nghị định 141/2017/NĐ-CP xác định nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Thực tế cho thấy, người sử dụng lao động hiện nay thường ghi nhận nhiều địa điểm làm việc cho người lao động trong hợp đồng lao động nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu kịp thời của người sử dụng lao động. Vậy, trong trường hợp này, người sử dụng lao động sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng ở nơi nào để xác định mức lương của người lao động? Theo quy định tại Điều 4.3 (b) Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, nếu người lao động được yêu cầu làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì trong hợp đồng lao động phải ghi rõ địa  điểm làm việc chính của người lao động. Theo quy định này, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải xác định địa điểm làm việc chính của người lao động bên cạnh các địa điểm làm việc khác theo sự phân công của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, không có quy định rõ ràng nào giải đáp về việc sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng nào trong trường hợp nêu trên.

Mặc dù vậy, trên cơ sở thận trọng cùng với nguyên tắc ưu tiên đảm bảo quyền lợi của người lao động như tinh thần của pháp luật lao động, người sử dụng lao động có thể phải áp dụng mức lương tối thiểu vùng của địa điểm làm việc chính của người lao động nơi mà có mức lương tối thiểu vùng cao nhất để bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn. Ngoài ra, qua trao đổi với Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên viên của cơ quan này cũng đồng tình với quan điểm là phải bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Tuy vậy, nếu ở vai trò của người sử dụng lao động, việc áp dụng nguyên tắc nêu trên như tinh thần của Bộ luật Lao động có thể dẫn đến gia tăng đáng kể chi phí tiền lương cho doanh nghiệp. Cho nên, để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng lao động, người sử dụng lao động có thể xin ý kiến hướng dẫn chính thức bằng văn bản từ cơ quan lao động địa phương có thẩm quyền để có cơ sở chắc chắn trước khi thực hiện.