Câu hỏi 109. NLĐ có đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng lại chưa đủ điều kiện về số năm đóng BHXH theo quy định thì có thể đóng dồn cho các năm còn thiếu để được hưởng chế độ hưu trí không?

Trả lời:

1. Điều kiện để NLĐ được hưởng lương hưu

Theo quy định của Luật BHXH, để được hưởng lương hưu, NLĐ cần đáp ứng điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng BHXH, cụ thể như sau[1]:

  • Về tuổi hưởng lương hưu:
  • – Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với NLĐ nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với NLĐ nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với NLĐ nam và 04 tháng đối với NLĐ nữ[2]; và
  • – Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với NLĐ nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với NLĐ nữ vào năm 2035[3].
  • Về thời gian đóng BHXH: NLĐ khi nghỉ việc phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

2. NLĐ nào đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng lại chưa đủ số năm đóng BHXH thì có thể đóng dồn cho các năm còn thiếu không?

Khi NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH lại chưa đủ 20 năm thì được quyền đóng tiếp BHXH cho đến khi đủ 20 năm để được hưởng lương hưu theo quy định[4]. Khi đó, NLĐ có thể lựa chọn đóng BHXH theo một trong các phương thức sau đây:

  • Đóng hằng tháng; hoặc
  • Đóng 03 tháng một lần; hoặc
  • Đóng 06 tháng một lần; hoặc
  • Đóng 12 tháng một lần; hoặc
  • Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần.

Tuy nhiên, đối với trường hợp NLĐ tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi được hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài sự lựa chọn theo một trong các phương thức đóng được nêu ở trên, NLĐ còn có quyền đóng BHXH một lần cho đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu[5]. Như vậy, NLĐ có thể đóng BHXH tự nguyện một lần để được hưởng lương hưu và mức đóng cụ thể sẽ do NLĐ lựa chọn phù hợp với thu nhập của NLĐ. Thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu của NLĐ sẽ được tính từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu[6]


[1] Điều 73.1 Luật BHXH, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 219.1(c) BLLĐ

[2] Điều 169.2 BLLĐ

[3] Điều 169.2 BLLĐ

[4] Điều 73.2 Luật BHXH

[5] Điều 8.2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 18/02/2016

[6] Điều 5.2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 18/02/2016