Trả lời:
Theo quy định của BLLĐ, NSDLĐ có quyền áp dụng một trong 04 hình thức xử lý KLLĐ sau đây nếu NLĐ có hành vi vi phạm được quy định NQLĐ của doanh nghiệp, bao gồm: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; sa thải. Trong đó, hình thức sa thải là hình thức kỷ luật ở mức độ cao nhất nên pháp luật lao động chỉ cho phép NSDLĐ được quyền áp dụng hình thức kỷ luật này khi NLĐ vi phạm một trong các hành vi sau đây: (i) Trộm cắp; (ii) Tham ô; (iii) Đánh bạc; (iv) Cố ý gây thương tích; (v) Sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc; (vi) Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ; (vii) Có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ; (viii) quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong NQLĐ; (ix) Đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật; hoặc Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Do vậy, NSDLĐ không thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối nếu hành vi vi phạm của NLĐ mà không rơi vào một trong các hành vi vi phạm được nêu ở trên (kể cả khi NQLĐ của doanh nghiệp có quy định phải xử lý KLLĐ đối với hành vi đó). Còn đối với các hình thức KLLĐ còn lại, quy định của pháp luật lao động cho phép NSDLĐ được tự đưa ra các quy định xác định hành vi vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật phù hợp dựa trên tính chất và mức độ của từng hành vi trong bối cảnh đặc thù của từng doanh nghiệp vì các hình thức kỷ luật đó suy cho củng cũng chưa đến mức NLĐ phải mất việc làm.
Áp dụng các quy định nêu trên vào tình huống NLĐ có các hành vi vi phạm có liên quan đến phương tiện truyền thông và mạng xã hội, về mặt pháp lý, NSDLĐ có quyền quy định một trong các hình thức KLLĐ được nêu ở trên đối với hành vi vi phạm của NLĐ trên cơ sở xem xét mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm.
Kinh nghiệm cho thấy, một số doanh nghiệp thường áp dụng mức KLLĐ thấp nhất là khiển trách đối với hành vi vi phạm lần đầu, chưa có thiệt hại vật chất gì xảy ra cho doanh nghiệp. Nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn thì tùy từng trường hợp cụ thể, NSDLĐ có thể áp dụng hình thức kỷ luật cao hơn (cách chức hoặc kéo dài thời hạn nâng lương đến 06 tháng) hoặc thậm chí là sa thải (nếu hành vi đó rơi vào một trong các hành vi mà NSDLĐ được quyền áp dụng hình thức sa thải đối với NLĐ được quy định tại Điều 125.1 BLLĐ). Một điểm quan trọng cần lưu ý là, vì các hành vi vi phạm có liên quan đến phương tiện truyền thông và mạng xã hội có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức vi phạm khác nhau nên để có cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng đối với NLĐ, NSDLĐ cần quy định một cách cụ thể và rõ ràng về đặc điểm, tính chất và mức độ của từng hành vi vi phạm trong NQLĐ của doanh nghiệp làm cơ sở để xử lý KLLĐ đối với NLĐ.