Nghị định 75/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Nghị định 75/2014/NĐ-CP

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ TUYỂN DỤNG, QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tuyển chọn, giới thiệu, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động Việt Nam là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có khả năng lao động, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam là cơ quan, tổ chức nước ngoài được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực;

b) Văn phòng thường trú cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình nước ngoài;

c) Tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài;

d) Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;

đ) Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài.

3. Cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là người nước ngoài làm việc tại tổ chức quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc người được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam.

4. Cơ quan, tổ chức Việt Nam có liên quan đến tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 3. Người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Người lao động Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này được phép làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân nước ngoài), trừ người lao động Việt Nam mà luật quy định không được làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 4. Thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam), bao gồm:

a) Tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền;

b) Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

2. Tổ chức quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này được tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:

a) Tổ chức nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này;

b) Cá nhân nước ngoài đang làm việc cho tổ chức nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

3. Trung tâm dịch vụ việc làm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này được tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:

a) Tổ chức nước ngoài quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Nghị định này;

b) Cá nhân nước ngoài đang làm việc cho tổ chức nước ngoài quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Nghị định này, người nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam.

Điều 5. Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động Việt Nam

1. Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

2. Bản sao giấy khai sinh.

3. Giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền không quá 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

4. Bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ liên quan đến công việc mà người lao động đăng ký dự tuyển. Nếu văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 6. Trình tự, thủ tục tuyển người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Khi có nhu cầu sử dụng người lao động Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển.

2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam có trách nhiệm tuyển chọn, giới thiệu người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Hết thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này mà tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam không tuyển chọn, giới thiệu được người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp tuyển người lao động Việt Nam.

4. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng lao động, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam.

Điều 7. Trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tuân thủ pháp luật về lao động của Việt Nam.

2. Thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Thực hiện đúng các quy định của tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam đã giới thiệu đến làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng người lao động Việt Nam

1. Thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động và các quy định hiện hành.

2. Thực hiện đúng văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam và hợp đồng lao động đã ký kết.

3. Báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động Việt Nam và văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Tổ chức tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

4. Báo cáo 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như sau:

a) Tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức; cá nhân nước ngoài báo cáo Bộ Ngoại giao;

b) Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thành lập báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi trung tâm đặt trụ sở chính;

c) Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

1. Thực hiện quản lý nhà nước về tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thi hành Nghị định này.

3. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

2. Quản lý tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Hướng dẫn việc thực hiện tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

4. Báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ cho tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

Điều 13.Trách nhiệm của Bộ Công an

Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các quy định của pháp Luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thực hiện quản lý nhà nước về tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

2. Giám sát và kiểm tra việc tuyển chọn, giới thiệu, sử dụng và quản lý người Lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng, quản lý người Lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của địa phương 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2014.

2. Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 46/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 75/2001/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– UB Giám sát tài chính QG;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban TW Mật trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN,các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG