Câu hỏi: Người lao động có được quyền yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán tiền lương bằng séc không?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật lao động, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận lựa chọn một trong hai hình thức trả lương như sau: (i) tiền mặt; hoặc (ii) chuyển khoản thông qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng[1].

Mặt khác, theo quy định của pháp luật ngoại hối hiện hành, séc được định nghĩa là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát trích một số tiền nhất định từ tài khoản thanh toán của mình để thanh toán cho người thụ hưởng[2]. Do đó, séc được xem là một công cụ thanh toán chứ không phải là một phương thức thanh toán. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch[3]. Với quy định nêu trên thì séc cũng không được xem là tiền mặt được phép sử dụng khi thanh toán tiền lương cho người lao động.


[1] Điều 94.2 Bộ luật Lao động

[2] Điều 3.1 Thông tư 22/2015/TT-NHNN ngày 20/11//2015

[3] Điều 3.9 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 và Điều 1.1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012