Trả lời:
Bộ luật Dân sự quy định, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có hội đủ các điều kiện sau đây: (i) được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành khác có liên quan; (ii) có cơ quan điều hành và các cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân; (iii) có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; và (iv) nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập[1]. Như vậy, mặc dù các công ty con đều trực thuộc một tập đoàn ở nước ngoài nhưng các công ty này đều được xem là những pháp nhân độc lập và cũng là những NSDLĐ độc lập nếu xét dưới góc độ pháp luật nói chung và pháp luật lao động của Việt Nam nói riêng[2]. Trên cơ sở đó, nếu một NLĐ cùng làm việc cho các doanh nghiệp này thì mỗi doanh nghiệp phải giao kết từng HĐLĐ riêng rẽ với NLĐ. Nếu một trong các doanh nghiệp đó không chịu giao kết HĐLĐ với NLĐ thì sẽ bị xem là vi phạm quy định của BLLĐ và có thể phải chịu một khoản tiền phạt hành chính từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm có từ 01 người đến 10 NLĐ [3].
Liên quan đến vấn đề quyết toán thuế, luật TTNCN quy định cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau đây[4]:
- Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công giao kết HĐLĐ từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trong trường hợp NLĐ không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Nếu cá nhân là NLĐ được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới; và
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công giao kết HĐLĐ từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả nếu không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10.000.000 đồng và đã được khấu trừ TTNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Như vậy, đối chiếu với những trường hợp được ủy
quyền quyết toán thuế được nêu ở trên thì trong trường hợp này NLĐ có thu nhập
từ nhiều tổ chức chi trả thu nhập khác nhau nên sẽ không có thể ủy quyền quyết
toán thuế cho các tổ chức chi trả thu nhập được mà phải tự mình thực hiện việc
nghĩa vụ quyết toán thuế của mình tại cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền theo
quy định của Luật TTNCN.
[1] Điều 74.1 Bộ luật Dân sự
[2] Điều 3.2 BLLĐ
[3] Điều 5.1 và Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ–CP của Chính phủ ngày 01/03/2020
[4] Điều 8.6 (d.2) Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/10/2020