Câu hỏi 97. Tại doanh nghiệp, khi tính giảm trừ thuế TNCN cho NLĐ đối với các khoản đóng góp cho từ thiện, nhân đạo, NSDLĐ nên yêu cầu NLĐ cung cấp chứng từ như thế nào và có cơ chế gì để kiểm tra cụ thể xem các thông tin của tổ chức tình nguyện nhận hỗ trợ có hợp lệ không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 9.3 (a) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/08/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 25.6 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/06/2015, các khoản đóng góp cho mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:

  • Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa; và
  • Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả các khoản đóng góp thiện nguyện của NLĐ đều sẽ được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của NLĐ. Để được giảm trừ, NLĐ phải cung cấp các tài liệu chứng minh rằng NLĐ đã có đóng góp một khoản chi vào các tổ chức được nêu ở trên. Đồng thời, các tổ chức này cũng phải được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

  • Đối với các tổ chức, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật được nêu tại điểm (i) ở trên, phải được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 103/2017/NĐ-CP  của Chính phủ ngày 12/9/2017 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở trợ giúp xã hội[1]. Điều này có nghĩa rằng, các tổ chức đó phải có giấy chứng nhận đăng ký thành lập và giấy phép hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật[2].

Các chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa sẽ là tài liệu để chứng minh NLĐ đã thực sự có đóng góp vào các tổ chức này để làm cơ sở tính vào khoản giảm trừ thu nhập chịu thuế của NLĐ.

Một số các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội mà NSDLĐ có thể tham khảo bao gồm[3]:

  • – Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi;
  • – Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
  • – Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật;
  • – Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí;
  • – Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội;
  • – Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội; hoặc
  • – Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.
  • Đối với các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được nêu tại điểm (ii) ở trên thì các quỹ này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ. Điều đó có nghĩa rằng các quỹ này phải được cấp giấy phép thành lập quỹ và quỹ đã được công nhận đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ theo quy định của pháp luật[4].

Các chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc Tỉnh cấp sẽ chứng minh việc NLĐ đã có đóng góp vào quỹ từ thiện, nhân đạo, khuyến học để tính vào khoản giảm trừ thu nhập chịu thuế của NLĐ.

Để đảm bảo các tài liệu chứng minh NLĐ đã đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học của các tổ chức nêu trên là phù hợp với quy định của pháp luật, NSDLĐ có thể yêu cầu NLĐ cung cấp một số thông tin về giấy phép/giấy chứng nhận đăng ký thành lập và giấy phép hoạt động/giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của các tổ chức, quỹ nêu trên.


[1] Điều 9.3 (a.1) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/08/2013 được sửa đổi bổ sung bởi Điều 25.6 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/06/2015

[2] Điều 18.1 và Điều 26 Nghị định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/9/2017

[3] Điều 5 Nghị định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/9/2017

[4] Điều 17 và Điều 25 Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ