Câu hỏi 208: Sự phối hợp giữa luật sư chuyên nghiệp bên ngoài, luật sư nội bộ và giám đốc/trưởng phòng nhân sự phải như thế nào để có thể hỗ trợ lẫn nhau có hiệu quả trong việc thực hiện thành công việc tái cơ cấu?

Trả lời:

Để hỗ trợ lẫn nhau có hiệu quả trong việc thực hiện thành công việc cho người lao động thôi việc do tái cơ cấu, luật sư bên ngoài, luật sư nội bộ và người đứng đầu bộ phận nhân sự trong doanh nghiệp cần lưu ý phối hợp với nhau trong tất cả các bước của quy trình tái cơ cấu, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Luật sư nội bộ và trưởng bộ phận nhân sự nên cung cấp đầy đủ thông tin cho luật sư bên ngoài để luật sư bên ngoài có thể đưa ra những tư vấn phù hợp và kịp thời nhất;
  • Luật sư nội bộ và trưởng bộ phận nhân sự là hai trong số những người có am hiểu nhiều nhất về hoạt động của doanh nghiệp nên cần trao đổi với luật sư bên ngoài tại từng thời điểm về các vấn đề đặc thù, văn hóa doanh nghiệp để luật sư bên ngoài có thêm thông tin hỗ trợ trong quá trình tư vấn và/hoặc thực hiện các công việc được giao; và
  • Bên cạnh việc tư vấn căn cứ, rủi ro, quy trình cho thôi việc do tái cơ cấu thì luật sư bên ngoài cũng cần cung cấp đầy đủ các biểu mẫu chi tiết và cập nhật nhất để tiết kiệm thời gian cho bộ phận nhân sự của doanh nghiệp.
  • Câu hỏi 1. Trong một số trường hợp ban chấp hành công đoàn cơ sở của doanh nghiệp không có thiện chí hợp tác hay có ý kiến gây bất lợi cho việc tái cơ cấu, người phụ trách nhân sự trong doanh nghiệp nên làm gì trong trường hợp này?

Dưới góc độ pháp lý, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở khi: (i) xây dựng phương án sử dụng lao động nếu việc tái cơ cấu ảnh hưởng đến việc làm của 02 người lao động trở lên và khi cho thôi việc với 02 người lao động trở lên. Tuy nhiên, người sử dụng lao động chỉ có nghĩa vụ tham khảoý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở chứ không có nghĩa vụ đạt được sự chấp thuận của ban chấp hành công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, ý kiến không đồng tình hoặc bất lợi của ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể khiến quy trình thủ tục bị kéo dài và tạo tiền đề để người lao động khiếu nại hay chống đối việc tái cơ cấu của doanh nghiệp.

Do đó, những người phụ trách việc tái cơ cấu trong doanh nghiệp nên lưu ý những vấn đề sau đây để có được sự hợp tác và ý kiến có lợi từ phía ban chấp hành công đoàn cơ sở:

  • Nên mời ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia từ bước thủ tục đầu tiên và trong suốt quy trình thủ tục cho thôi việc do tái cơ cấu, cụ thể, ngay từ bước lập kế hoạch, người sử dụng lao động có thể cân nhắc việc mời ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia cho ý kiến; và
  • Mời luật sư bên ngoài giải thích, tư vấn cho ban chấp hành công đoàn cơ sở về tính pháp lý của việc tái cơ cấu để mọi người trong ban chấp hành công đoàn cơ sở được thông suốt để giải thích lại với người lao động khi cần thiết.