Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm

THÔNG TƯ

LIÊN TỊCH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 33/2016/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG AN NHÂN DÂN VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC CƠ YẾU HƯỞNG LƯƠNG NHƯ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây được viết tắt là Nghị định số 33/2016/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

Chương II

CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Mục 1. CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU

Điều 3. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Y tế;

b) Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm a và b Khoản này.

2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:

a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ;

b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; nghỉ chuẩn bị hưu theo quy định hiện hành (đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý).

Điều 4. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền (kể cả điều trị nội trú và ngoại trú). Trong đó, số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Ví dụ 1: Đồng chí Trung úy QNCN Nguyễn Hải Vân, hiện đang công tác tại nhà máy Z thuộc Tổng cục CNQP; ngày 14 tháng 4 năm 2016 đồng chí Vân bị sốt vi rút phải nghỉ việc để điều trị bệnh đến hết ngày 18 tháng 4 năm 2016. Ngày nghỉ hàng tuần của đồng chí Vân được xác định là ngày Chủ nhật. Như vậy, số ngày đồng chí Vân điều trị bệnh là 05 ngày; trong đó, số ngày được hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội là 03 ngày (trừ ngày 16 tháng 4 là ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương và ngày 17 tháng 4 là ngày Chủ nhật).

2. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm theo quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:

a) Thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động

Trên đây là một đoạn trích dẫn của Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm. Nếu quý bạn đọc quan tâm vui lòng tải bản đầy đủ tại ĐÂY