Câu hỏi: Tiền lương làm căn cứ chi trả cho người lao động đối với những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm được tính như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật lao động, đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên, tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động đối với những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm. Pháp luật lao động hiện chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nào để xác định liệu rằng tháng mà người lao động nghỉ việc có được tính vào 06 tháng liền kề hay không trong trường hợp người lao động có thời gian làm việc từ đủ 06 tháng trở lên. Theo trao đổi không chính thức với chuyên viên của Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh, được biết tháng mà người lao động nghỉ việc sẽ không được tính vào 06 tháng liền kề, mà 06 tháng liền kề sẽ được tính bắt đầu từ tháng trước tháng người lao động nghỉ việc trở về trước. Ví dụ: người lao động bắt đầu làm việc từ ngày 01/01 và nghỉ việc vào ngày 15/7 thì 06 tháng liền kề trong trường hợp này được tính là tháng 06, tháng 05, tháng 04, tháng 03, tháng 02, và tháng 01.

Ngược lại, đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng thì tiền lương làm căn cứ để trả người lao động cho những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc. Đối với các trường hợp người lao động đi làm không trọn tháng trong thời gian tính lương bình quân, do pháp luật lao động vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách tính nên tùy vào cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mà sẽ có cách hướng dẫn khác nhau và thậm chí tùy từng chuyên viên xử lý vụ việc cũng có nhiều cách hiểu luật và hướng dẫn khác nhau. Theo quan điểm của chuyên viên Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh, trong trường hợp người lao động làm việc không đủ tháng thì người sử dụng lao động có thể thỏa thuận trước với người lao động về việc có xem số ngày đã làm việc trong tháng đó được tính tròn là 01 tháng hay không. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật về lao động và mong muốn của cơ quan Nhà nước về lao động có thẩm quyền luôn là bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động, để hạn chế rủi ro pháp lý khi bị xem là không trả đủ tiền lương cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm, người sử dụng lao động nên: (i) quy định rõ vấn đề này trong nội quy lao động và đăng ký với cơ quan lao động địa phương có thẩm quyền; hoặc (ii) nếu nội quy lao động chưa ghi nhận, người sử dụng lao động nên có văn bản thỏa thuận trước với người lao động về vấn đề này. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng có thể xem xét tính lương bình quân của toàn bộ thời gian làm việc theo cách tính lương ngày đối với những ngày làm việc không tròn tháng. Cụ thể, tiền lương ngày trả cho một ngày làm việc được xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày[1].


[1] Điều 4.4 (c) Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/06/2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 14.4 (a) Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH  ngày 16/11/2015