Trả lời:
Để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc, pháp luật lao động chỉ yêu cầu người sử dụng lao động ban hành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong quy chế của doanh nghiệp sau khi có ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở trước khi ban hành[1]. Theo đó, các ý kiến của người lao động (đồng ý hoặc không đồng ý) sẽ không phải là điều kiện bắt buộc để quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ có hiệu lực. Vì vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động đã ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo trình tự, thủ tục luật định thì người sử dụng lao động có quyền căn cứ vào đó để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, bất kể người lao động có đồng ý với quy chế do người sử dụng lao động ban hành hay không.
Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động không đồng ý với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và khiếu nại với cơ quan quản lý lao động địa phương hoặc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền, thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp của quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, cụ thể trong trường hợp này là chứng minh tính hợp pháp và hợp lý của quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đã ban hành[2]. Nếu cơ quan quản lý lao động và/hoặc Tòa án có thẩm quyền tuyên bố quy chế do người sử dụng lao động ban hành không có giá trị áp dụng vì có những nội dung trái với quy định của pháp luật hoặc không phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp hoặc có dấu hiệu không công bằng với người lao động, thì trước hết việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động có thể bị tuyên là trái pháp luật. Sau đó, người sử dụng lao động buộc phải điều chỉnh quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người lao động và lấy ý kiến của ban chấp hành công đoàn đối với quy chế được điều chỉnh đó để làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động về sau.
Như vậy, để tránh tình huống quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc không được người lao động đồng ý hoặc không nhận được sự đồng tình về mặt nội dung của cơ quan giải quyết tranh chấp lao động thì ngoài điều kiện: (i) quy chế cần có được sự đồng ý của tất cả thành viên trong ban chấp hành công đoàn cơ sở trước khi ban hành; và (ii) nội dung của quy chế không trái với các quy định của pháp luật; và (iii) xét về mặt quản trị nhân sự, người sử dụng lao động có trao đổi với người lao động liên quan về các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc sẽ được áp dụng đối với người lao động đó, như là một hình thức thông tin và giải thích trước cho người lao động.
[1] Điều 12.1 Nghị định 05/2015/NĐ- CP ngày 12/01/2015
[2] Điều 91.1 (b) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015