14.4.1 Quyền đình công

Tập thể lao động có quyền đình công, tức ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, khi có tranh chấp lao động tập thể về lợi ích với NSDLĐ và dù đã được giải quyết qua thủ tục hòa giải tại hòa giải viên lao động, và/hoặc hội đồng trọng tài lao động nhưng không thành hoặc dù đã được hòa giải thành nhưng một bên vẫn không thực hiện đúng. Tập thể lao động không được tiến hành đình công với các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân mà việc đình công đó có thể đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng theo danh mục do Chính phủ quy định từng thời kỳ.

Lưu ý, sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được hoặc trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, thì tập thể lao động mới có quyền tiến hành các thủ tục để đình công. Trước, trong và sau đình công, NSDLĐ không được quyền chấm dứt HĐLĐ hoặc xử lý KLLĐ đối với NLĐ, người lãnh đạo đình công hoặc điều động NLĐ, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công hoặc trù dập, trả thù NLĐ tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

Trước khi tập thể lao động tiến hành đình công, trong khoảng thời gian 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công, NSDLĐ được quyền tạm thời đóng cửa nơi làm việc nhưng phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc và thông báo đến tất cả các bên liên quan cũng như trả lương cho những NLĐ không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.